Hôm nay, 1-7, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 chính thức có hiệu lực thi hành. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Thanh tra Chính phủ) thành viên tổ biên tập Luật PCTN 2018 và nghị định hướng dẫn thi hành.
Chất lượng báo cáo công tác PCTN sẽ tốt hơn
. Phóng viên: Việc xây dựng nghị định hướng dẫn đang được triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế.
+ Ông Nguyễn Tuấn Anh: Tuần trước, Chính phủ đã bấm nút thông qua nghị định đầu tiên hướng dẫn Luật PCTN 2018. Chắc 1-2 ngày nữa sẽ ban hành chính thức để luật phát huy hiệu quả ngay.
Từ khi được ban hành lần đầu năm 2005 đến nay, Luật PCTN đã trải qua bốn lần sửa đổi, bổ sung, trong đó năm, 2018 là sửa đổi toàn diện nhất. Vậy nên Thanh tra Chính phủ khi chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý theo hướng đầu tiên phải rà soát tất cả văn bản hướng dẫn thi hành cũ để xây dựng một nghị định hướng dẫn các quy định chung. Nghị định mà Chính phủ vừa thông qua được làm như vậy, gần như pháp điển hóa tám nghị định, một quy định hướng dẫn thi hành Luật PCTN cũ.
. Những vấn đề mới đã được đưa vào Luật PCTN 2018 thì nay được hướng dẫn thi hành thế nào?
+ Đầu tiên là hoàn thiện, quy chuẩn hơn về đánh giá, báo cáo về PCTN. 14 năm qua đã hình thành cơ chế Chính phủ báo cáo và Quốc hội giám sát công tác PCTN. Tuy nhiên, chưa hề có khung tiêu chí nào để đánh giá, “chấm điểm” PCTN năm này so với năm kia.
Vậy thì nghị định mới có một chương với bảy điều về các nhóm tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng thông qua số lượng người, vụ việc tham nhũng; về hoàn thiện chính sách, pháp luật; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa; về phát hiện, xử lý; và về thu hồi tài sản tham nhũng.
Với bộ tiêu chí chi tiết như vậy, từ nay các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh sẽ phải xây dựng kế hoạch đánh giá công tác PCTN để báo cáo HĐND cùng cấp và chuyển Thanh tra Chính phủ tổng hợp, giúp Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội.
Với bộ tiêu chí này, chất lượng báo cáo công tác PCTN sẽ tốt hơn, qua đó sẽ dần xây dựng cơ sở dữ liệu PCTN, giúp ta đánh giá hiệu quả của từng chính sách liên quan đến PCTN và điều chỉnh kịp thời sát với thực tiễn.
Quy định rõ hơn về quà tặng “ẩn mình”
. Trong biện pháp phòng ngừa thì kiểm soát tặng quà-nhận quà là vấn đề mà người dân rất quan tâm, bởi thực tế rất ít vụ việc quà tặng được khai báo. Vấn đề này được xử lý thế nào?
+ Theo Luật PCTN cũ thì Thủ tướng đã ban hành Quyết định 64/2007 về quy chế tặng quà, nhận quà. Nay nội dung này được sửa đổi, bổ sung đưa vào nghị định với tinh thần cơ bản là cấm việc nhận quà dưới mọi hình thức của đối tượng có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì phải khai báo để xử lý.
Về xử lý quà tặng, Quy định 64 chỉ quy định thủ tục giải quyết với quà tặng là hiện vật nên rất khó xử lý với quà tặng là dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục… Lần này quy định rõ hơn, thậm chí cả với quà tặng là động-thực vật, đồ tươi sống và về nghĩa vụ từ chối nhận dịch vụ là quà tặng…
. Chi tiết hóa đến vậy thì tốt nhưng làm thế nào để thay đổi một thói quen xấu trong việc tặng và nhận quà?
+ Tôi cho là phải tiếp tục truyền thông, thay đổi nhận thức, kết hợp với xử lý trách nhiệm các trường hợp sai phạm. Từ văn hóa “miếng trầu là đầu câu chuyện” trở thành vấn đề của tham nhũng là một quá trình, thì chuyển đổi, hóa giải nó cũng cần thời gian. Suy cho cùng thì tùy thuộc vào kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công sở và trách nhiệm người đứng đầu.
Theo luật PCTN 2018, việc tặng quà, nhận quà sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ảnh: HTD
Kiểm soát xung đột lợi ích
. Kiểm soát xung đột lợi ích là vấn đề rất mới của Luật PCTN 2018. Nghị định cụ thể hóa thế nào?
+ Chính phủ liệt kê chín nhóm tình huống xung đột lợi ích mà người có chức vụ, quyền hạn phải báo cáo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có giải pháp để giám sát, phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của xung đột lợi ích đó với công việc của cơ quan, đơn vị.
Khi có quy định cụ thể như vậy thì các cơ quan, tổ chức trong khu vực công sẽ phải hình thành quy trình nghiệp vụ về kiểm soát xung đột lợi ích. Cũng phải nói thêm, bổ sung quy định như vậy sẽ giúp liên thông hệ thống pháp luật về PCTN với pháp luật chuyên ngành khác, chẳng hạn như khu vực công ty đại chúng, chứng khoán, ngân hàng… mà ở đó cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích là khá chặt chẽ và hiệu quả.
. Trong công tác cán bộ thì “con quan thì lại làm quan”, trong làm ăn kinh tế thì sân sau, cánh hẩu… Đây đều là các biểu hiện của xung đột lợi ích và không khó để nhận biết, phát hiện. Nay quy định cụ thể ra thì liệu có kiểm soát được?
+ Chẳng gì qua được tai mắt của dân đâu. Vấn đề là trước đây ta thiếu các quy định cụ thể nên khi phát hiện ra thì lúng túng trong xử lý. Còn giờ đưa vào Luật PCTN, rồi có hướng dẫn cụ thể mà người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không có giải pháp thực hiện, kiểm soát, phòng ngừa thì có cơ sở để xử lý.
Thực ra trong các luật chuyên ngành ít nhiều đều có cơ chế chống xung đột lợi ích. Nhưng nay gọi tên ra, đưa vào Luật PCTN thì qua đó sẽ nâng cao nhận thức, dần hình thành văn hóa lành mạnh, phòng ngừa từ xa các tình huống mà ở đó có nguy cơ dẫn tới tham nhũng hoặc khó kiểm soát tham nhũng.
Xung đột lợi ích luôn tiềm ẩn quanh mỗi người có chức vụ, quyền hạn. Vậy nếu quản lý tốt, chuyển hóa được vào hồ sơ cán bộ - giống như kiểu kê khai tài sản vậy - thì sẽ giúp người đứng đầu phân công đúng người, đúng việc, phòng ngừa được các yếu tố rủi ro liêm chính có thể phát sinh khi thừa hành công vụ.
Luật PCTN đã có “răng”
. Luật PCTN của Việt Nam bị đánh giá là không có “răng”, tức là hô hào mà thiếu cơ chế ràng buộc. Vậy có giải pháp gì khắc phục không?
+ Có. Luật 2018 đã bổ sung một điều nguyên tắc về xử lý với tám vi phạm về: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quy tắc ứng xử; chống xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng. Cùng đó là trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; thời hạn kê khai tài sản, thu nhập và vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đây là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chủ yếu được đưa vào Luật PCTN từ năm 2005 đến nay. Qua thanh tra cho thấy nhiều nơi không tuân thủ hoặc thi hành kiểu hình thức nhưng lại không có quy định rõ ràng về trách nhiệm, chế tài hành chính.
Vậy nên nghị định này lần đầu tiên quy định khá cụ thể về hành vi vi phạm và chế tài tương xứng, tập trung vào người đứng đầu và cấp phó. Bởi họ là chủ thể có nghĩa vụ thực hiện, triển khai các biện pháp PCTN cũng như có trách nhiệm phát hiện, báo cáo, kiến nghị kẽ hở có thể dẫn tới tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
. Mỗi lần Luật PCTN được đưa ra sửa đổi, bổ sung, người dân lại kỳ vọng là tham nhũng sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Vậy là người trong cuộc, ông kỳ vọng gì về Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn liên quan?
+ Anh em thanh tra chúng tôi thấy rõ là lần này mình có thêm công cụ để xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi họ vi phạm nghĩa vụ thực hiện, triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tin rằng với công cụ ấy, công tác quản lý nhà nước về PCTN, trong đó có thanh tra, sẽ mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thực hiện pháp luật đóng vai trò không kém quy định pháp luật. Pháp luật hay mà không có cơ chế, con người thực thi thì khó mà phát huy hiệu quả. Từ sau Đại hội XII tới nay, vẫn hệ thống pháp luật cũ ấy nhưng như bà con nói, “củi lửa” nóng hừng hực. Vậy nên quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, tập thể người đứng đầu, trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước.
Cứ đà này, tôi tin là PCTN sẽ đạt những bước tiến mới, vững chắc.
. Xin cám ơn ông.
PCTN trong lĩnh vực tư sẽ thế nào? . Còn về chống tham nhũng trong khu vực tư? Đây cũng là điểm mới của Luật 2018. Vậy bước đi trong nghị định thế nào? + Luật 2018 có một mục gồm ba điều quy định về áp dụng luật với doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước, tạm gọi là khu vực tư. Khi nghiên cứu cụ thể hóa, ban đầu có phương án mạnh, tức là quy định chi tiết các biện pháp phòng ngừa phải thực hiện, kèm chế tài với ông chủ tư nếu vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, đại diện khu vực tư, VCCI… không đồng tình. Vì suy cho cùng PCTN trong mỗi doanh nghiệp là nhu cầu nội tại và Nhà nước chỉ nên thúc đẩy liêm chính trên toàn xã hội. Mặt khác, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN trong doanh nghiệp được quy định ở rất nhiều luật chuyên ngành. Chẳng hạn các luật về công ty đại chúng, chứng khoán, ngân hàng, tổ chức tín dụng là rất chặt chẽ, tiệm cận chuẩn mực quốc tế rồi và trong đó đã có chế tài nếu vi phạm… Vậy nên, cuối cùng Chính phủ thông qua phương án thanh tra vẫn có quyền vào doanh nghiệp để kiểm tra xem họ có triển khai các biện pháp PCTN theo luật định không, qua đó nếu phát hiện bất cập, hạn chế thì tìm kiếm các giải pháp tác động để mọi việc dần tốt lên. Bước đi thận trọng như vậy có tính hợp lý của nó. Bởi PCTN đòi hỏi hàng loạt giải pháp đồng bộ, từng bước tiệm tiến, nâng dần các quy chuẩn và liên tục điều chỉnh chặt chẽ hơn. Cần xây dựng một xã hội liêm chính chứ không phải chỉ một vài bộ phận trong đó. |