Thị trường nước mắm phục hồi sau ‘cú sốc asen’

Thông tin nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (Vinastas) công bố lập lờ đã khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống lao đao, NTD hoang mang.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi trong mấy ngày gần đây, tình hình tiêu thụ nước mắm đã bắt đầu phục hồi.

Không còn hoang mang

Tiểu thương tại một số chợ lẻ ở TP.HCM như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Định… cho biết gần đây sức mua nước mắm chậm hơn so với trước. Bà Lê Thị Khuê, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, kể sạp của bà bán nước mắm công nghiệp lẫn nước mắm truyền thống. Mấy ngày nay nước mắm công nghiệp bán không được, nước mắm truyền thống cũng lác đác người mua. Hiện bà chỉ dám nhập hàng cầm chừng chứ không nhập nhiều.

“Chúng tôi chỉ là người mua đi bán lại kiếm chút lời. Người ta công bố thông tin nước mắm có asen nhưng lại không nói rõ asen hữu cơ (không độc hại) hay asen vô cơ (độc hại) khiến tiểu thương chịu nhiều thiệt hại” - bà Khuê than thở.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị U., tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, cho hay sau khi có thông tin nước mắm nhiễm asen, buôn bán cũng có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Có điều, do Vinastas công bố thông tin lập lờ khiến NTD có phần thận trọng khi mua nước mắm truyền thống.

“Dù sức tiêu thụ nước mắm truyền thống chưa bị giảm đột ngột nhưng tôi cũng chỉ dám nhập ít. Ví dụ bình thường lấy 5-10 thùng bán dần, giờ chỉ lấy một thùng, bán hết sẽ lấy tiếp” - chị U. chia sẻ.

Nhiều tiểu thương khác thì cho hay sau khi xem báo được biết cơ quan nhà nước đã công bố toàn bộ mẫu nước mắm khảo sát trên thị trường an toàn, không có asen gây hại sức khỏe thì mọi người đã chọn mua nước mắm truyền thống trở lại.

Khách đang chọn mua nước mắm tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị buôn bán bình thường

Khảo sát tại siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart cho thấy nước mắm truyền thống vẫn được bày bán bình thường. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, khẳng định: “Tất cả sản phẩm nước mắm đang bày bán tại hệ thống bán lẻ của chúng tôi đều đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định hiện hành và được kiểm nghiệm định kỳ để NTD an tâm khi sử dụng” - ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, thời điểm này, Saigon Co.op tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến asen hết sức cẩn trọng trên nguyên tắc minh bạch và trung thực nhằm vừa đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của NTD cũng như các đơn vị đối tác, nhà sản xuất uy tín.

Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết siêu thị luôn theo dõi chặt chẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và theo sát hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước để có kế hoạch ứng xử phù hợp.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho hay nước mắm truyền thống đã được minh oan nhưng có những thiệt hại hữu hình lẫn vô hình mà các cơ sở sản xuất nước mắm phải gánh chịu. Ví dụ ở thị trường TP, bình thường tiểu thương nhập gối đầu liên tục nhưng nay nhập từng đợt, bán hết mới lấy. Vì vậy, lượng hàng đưa ra thị trường của một số cơ sở nước mắm có chậm hơn trước.

Giấy thông hành an toàn cho nước mắm Việt

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho hay: Từ năm 1994 đến 2013, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của EU, Mỹ, Nhật Bản… yêu cầu các lô hàng thủy sản (bao gồm nước mắm) phải kiểm soát kim loại nặng gồm chì, thủy ngân, cadimi và asen vô cơ chứ không phải asen hữu cơ. Trong suốt thời gian này, các lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu đều được kiểm tra bốn chất nói trên, đôi khi phát hiện chì, thủy ngân, cadimi nhưng chưa bao giờ phát hiện asen vô cơ. Đến năm 2013 EU, Mỹ, Nhật Bản đã thông báo không yêu cầu kiểm tra asen vô cơ nhưng vẫn kiểm tra chì, cadimi và thủy ngân. Cũng trong năm 2013, Bộ NN&PTNT đã công bố danh mục chỉ tiêu phải kiểm tra đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu (bao gồm nước mắm) không có asen vô cơ. Như vậy, trên cả thực tế và lý thuyết, người ta không thấy asen vô cơ có trong sản phẩm thủy sản.

Tháng 12-1999, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) chứng nhận 18 DN chế biến thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này. Sự công nhận này là “nhãn hiệu” an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm Việt Nam.

“Tuy vậy, tôi cho rằng cần sớm xây dựng quy chuẩn nước mắm Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần sớm thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam để những nhà sản xuất chân chính có thể liên kết, tự bảo vệ mình và hỗ trợ nhau cùng phát triển” - ông Cương nói.

TRÀ PHƯƠNG


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm