Biến bùn thải nguy hại thành bê tông

Xử lý nước thải đã khó, xử lý bùn thải nguy hại còn khó hơn. Lý do là nhiều kim loại nặng lắng đọng trong bùn thải. Người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp xử lý bùn thải có chứa kim loại nguy hiểm như hóa rắn, phương pháp nhiệt (đốt)... Thực tế tại Việt Nam dùng phương pháp phổ biến là đốt thành tro rồi chôn lấp, tuy nhiên quá trình đốt này cũng chỉ xử lý được 70%.

Nhóm nghiên cứu “Phát triển công nghệ mới” của chúng tôi đã đưa ra giải pháp ổn định bằng cách hóa rắn bùn nguy hại (công nghệ THS). Ưu điểm của nó là làm cố định hóa học, triệt tiêu tính lưu động, cô lập các thành phần gây ô nhiễm thành một lớp vỏ bền vững có tính toàn vẹn cao. Các chất vô cơ thường được dùng để hóa rắn là xi măng, vôi, thạch cao... Phương pháp này được Mỹ ứng dụng từ 1982. Chúng tôi dùng toàn bộ bùn thải thành nguyên liệu cho vữa bê tông xi măng. Trước tiên, sử dụng phụ gia BOF1, BPF2 để khử mùi hôi thối của bùn thải. Sau đó, hỗn hợp đá, bùn thải, xi măng được trộn đều với nước và phụ gia HSOB để tạo thành vữa bê tông.

Biến bùn thải nguy hại thành bê tông ảnh 1

Triển khai xử lý bùn thải kim loại thành bê tông tại Bình Dương của nhóm Phát triển công nghệ mới. (Ảnh chụp lại từ tư liệu TS Nguyễn Hồng Bỉnh)

Các chất trong phụ gia HSOB sẽ chuyển thành phản ứng oxy hóa-khử, chuyển chất độc hại thành chất không độc hại và tạo thành chất trơ không tan trong nước. Phụ gia BOF1, BOF2, HSOB được công nhận bởi Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam (Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) và Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TP.HCM cho sản xuất và thử nghiệm. Với giá xử lý năm triệu đồng/tấn bùn thải thì ưu điểm của phương pháp này là giá thành chỉ bằng 60% cách xử lý bùn thải hiện đang áp dụng.

Biến bùn thải nguy hại thành bê tông ảnh 2

TS Nguyễn Hồng Bỉnh bên các mẫu thực nghiệm của mình, trong đó có mẫu bê tông làm từ đất đỏ.

Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã làm thực nghiệm tại Bình Dương với các mẫu bùn thải được lấy từ các ngành có chỉ số nguy hại cao nhất: thuộc da, dệt nhuộm ở các khu công nghiệp tại đây. Cụ thể, chúng tôi đã triển khai tại Bình Dương với các mẫu bùn từ các khu công nghiệp tại tỉnh này. Qua phân tích của Công ty CP DV sắc ký Hải Đăng, trước khi xử lý, hàm lượng crom (Cr) từ 2,571 mg/l đến 3,76mg/l. Ngày 20-8, nhóm nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm đường bê tông có chiều dày 20 cm từ bùn thải nguy hại của ngành dệt nhuộm. Vào ngày 27-8 đã triển khai đổ bê tông nền nhà từ bùn của ngành thuộc da. Sau khi xử lý thì không phát hiện hàm lượng Cr, hoặc phát hiện Cr ở mức thấp hơn ngưỡng giới hạn của TCVN7269-2007. Tương tự, chúng tôi đã thực nghiệm tại KCN Lê Minh Xuân, hàm lượng Cr, Ni từ gấp 1,8 lần tiêu chuẩn, sau xử lý thì hàm lượng kim loại nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Ngày 16-10, đoàn kiểm tra đã kiểm tra độ chịu lực bằng cách cho xe 13 tấn lăn qua khu vực bê tông thì thấy mặt bê tông không bị biến dạng, kể cả phần mép. Ngay trong ngày, các mẫu bê tông được gửi đến công ty CP Dịch vụ sắc ký Hải Đăng để phân tích thì thấy các kim loại nặng nằm trong ngưỡng cho phép của TCVN. Hiện chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ THS và phụ gia HSOB để tạo ra bê tông xây dựng trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

TRẦN ĐỊNH ghi (Theo TS Nguyễn Hồng Bỉnh, nguyên giám đốc Sở Thủy lợi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm