Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu

Ngày 16-10 hàng năm, các quốc gia kỷ niệm ngày Lương thực thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), suốt năm 2016, các hành động hưởng ứng ngày này được xem trọng hơn bao giờ hết. 

Sử dụng tài nguyên khôn ngoan

Không chỉ có con người, cây cối, thực phẩm, nông nghiệp… cũng phải vận động thay đổi theo BĐKH. Một trong những vấn đề quan trọng là an ninh lương thực. Trong đó những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là nông dân, ngư dân, người chăn nuôi gia súc. Nguyên nhân là nhiệt độ cao hơn và tần suất thảm họa thời tiết ngày càng tăng.

Theo thông tin từ Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO), dân số toàn cầu đang tăng trưởng và dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ người vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu lớn về tiêu dùng, hệ thống nông nghiệp và lương thực cũng cần phải thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH. Họ cần trở nên vững vàng nhằm giữ năng suất bền vững hơn. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể làm để đảm bảo an sinh của các hệ sinh thái và giảm lượng khí thải.

Ảnh: un.org

Trồng trọt hoa màu một cách bền vững nghĩa là sản xuất nhiều hơn trong cùng một diện tích đất đai và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan hơn. Điều đó cũng có nghĩa là giảm tổn thất thực phẩm thông qua một số sáng kiến bao gồm thu hoạch tốt hơn, lưu trữ, đóng gói, vận chuyển, cải thiện cơ sở hạ tầng, các khuôn khổ thể chế, pháp lý… Đó cũng là lý do tại sao thông điệp toàn cầu của ngày Lương thực thế giới năm 2016 là “Khí hậu đang thay đổi. Thực phẩm và nông nghiệp cũng phải thay đổi theo”. Được biết thông điệp này cũng tạo tiếng vang, tác động cụ thể tại thời điểm quan trọng sắp đến. Đó là Hội nghị BĐKH của Liên Hiệp Quốc (COP 22) diễn ra từ ngày 7 đến 18-11tại TP Marrakech, Maroc. FAO kêu gọi các nước giải quyết vấn đề lương thực và nông nghiệp trong kế hoạch hành động khí hậu của mình. Đồng thời, chúng ta nên chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc phát triển nông thôn.

Phải hành động

Hành tinh của chúng ta đang nóng dần lên. Các sông băng đang tan chảy, mực nước biển đang tăng lên. Các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt ngày càng trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, tất cả những vấn đề này đều có hai điểm chung: Một là chúng ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo, việc trồng cây lương thực ngày càng trở nên khó khăn và nhọc nhằn hơn; hai là chúng đe dọa các mục tiêu toàn cầu hướng đến chấm dứt nạn đói năm 2030.

Tuy nhiên, một tin tốt là chúng ta có thể hành động để cải thiện bằng nhiều cách. Chẳng hạn như bớt lãng phí ít thức ăn, tiết kiệm tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá như nước, đất, tiêu thụ ít năng lượng hoặc sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường. Và còn nhiều cách nữa bạn có thể áp dụng, trước nhất cho gia đình mình, sau đó lan tỏa ra toàn xã hội. Là người tiêu dùng có thiện chí, bạn hãy thay đổi những hành vi mua sắm đơn giản hàng ngày. Chẳng hạn như bớt lãng phí thức ăn, mua sắm sản phẩm xanh, không gây gại môi trường, giảm sử dụng túi nylon… Bằng những điều khác nhau, chúng ta sẽ góp phần tạo tác động rất lớn để thế giới ngày càng xanh hơn.

(Theo FAO)

Bạn có biết?

·        Chăn nuôi góp gần 2/3 khí nhà kính nông nghiệp (GHG) và 78% lượng khí thải mêtan nông nghiệp. FAO đang làm việc với các nước để cải thiện việc quản lý vật nuôi và giảm thiểu tác động của BĐKH.

·        FAO ước tính rằng sản xuất nông nghiệp phải tăng khoảng 60% vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu của dân số. BĐKH đang đẩy mục tiêu này vào tình trạng rủi ro.

·        Đến năm 2050, sản lượng đánh bắt cá dự kiến sẽ giảm tới 40% ở vùng nhiệt đới.

Tại Hội nghị phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc diễn ra tháng 9-2015, 193 quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn đói trong 15 năm tới. Mục tiêu toàn cầu là không còn người đói vào năm 2030. Đây cũng là mục tiêu đầy tham vọng và chúng ta sẽ khó lòng đạt tới nếu không giải quyết vấn đề BĐKH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm