“Cuộc đua” được dự báo là vô cùng căng thẳng, bởi HS ở khu vực chín quận, huyện trước đây chỉ xét tuyển, năm nay cũng chính thức tham gia thi tuyển. Sẽ có 12.000 HS trong tổng số HS tham gia thi tuyển bị loại khỏi trường công lập.
Học sinh lớp 9 trường THCS Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong giờ ôn tập môn ngoại ngữ - Ảnh: Phùng Huy
Đánh đố ba nguyện vọng
Ngay khi TP.HCM vừa công bố bỏ hình thức xét tuyển ở chín quận, huyện sau bảy năm thí điểm, tất cả HS muốn vào lớp 10 công lập đều phải qua thi tuyển, các chuyên gia giáo dục đã nhận định, cuộc chạy đua vào các trường “top trên” và “top giữa” sẽ rất căng thẳng. Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) đánh giá: Khi tất cả các trường THPT đều thi tuyển thì HS khá giỏi sẽ đổ vào những trường có tiếng trong nội thành, kể cả HS ở chín quận, huyện xét tuyển ngày trước cũng sẽ thử sức. Những trường thuộc top đầu sẽ tăng mạnh số lượng HS cạnh tranh, dẫn đến điểm chuẩn vào những trường như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Gia Định, Thực Hành Sư Phạm, Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Hùng Vương... sẽ rất cao.
Đó là chưa kể, một số trường nằm trong top này lại đột ngột giảm chỉ tiêu đáng kể như Marie Curie (Q.3) giảm 420 chỉ tiêu (giảm khoảng mười lớp), Gia Định (Q.Bình Thạnh) giảm 180 chỉ tiêu (giảm khoảng bốn - năm lớp)...
Tương tự, với những trường “điểm” của khu vực ngoại thành như Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) và Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), chỉ HS khá giỏi mới có cơ hội. So với mặt bằng ở khu vực Q.12, huyện Hóc Môn thì trường Nguyễn Hữu Cầu dẫn đầu; còn khu vực Q.9, Q.Thủ Đức khó trường nào vượt được Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nên khi xóa bỏ hình thức xét tuyển, HS khá giỏi ở địa bàn lân cận sẽ dồn vào.
Đường vào trường công lập mơ ước càng trở nên… gian nan bởi việc “trúng” hay “trật” đôi khi không chỉ phụ thuộc vào năng lực học tập và điểm số của HS mà còn được quyết định bởi việc lựa chọn ba nguyện vọng (NV) sao cho chính xác. Chị Nguyễn Thị Kim (phụ huynh (PH) một HS lớp 9 Trường Nguyễn Văn Tố, Q.10) lo lắng: “Việc chọn ba NV là điều tôi ngán nhất, đâu có ai chỉ mình việc chọn sao cho chính xác, chuyên gia giáo dục chưa chắc chọn được, đừng nói đến người học….”.
Tương tự, anh Trần Văn Tuấn (PH một HS lớp 9 Trường Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình), sau khi trải nghiệm việc làm hồ sơ cho đứa con lớn thi đại học, nay “vò đầu bứt tai” nghiên cứu ba NV cho đứa con thứ thi vào lớp 10, nói: “Thi đại học, thí sinh chỉ cần đăng ký trường dự thi. Nếu có trượt NV1 phải lựa chọn NV bổ sung thì khi đó đã có kết quả điểm thi, căn cứ vào điểm xét tuyển của các trường mới đăng ký. Ít ra, sự lựa chọn NV đại học còn có căn cứ là điểm số, nhưng lựa chọn đăng ký NV dự thi vào lớp 10 thì cực kỳ đánh đố, phải... “mò” đại”.
Quả thật, với lớp 10, cả ba NV đều phải đăng ký trước khi thi, người học hoàn toàn không biết mình phải cạnh tranh với bao nhiêu người, mạnh yếu ra sao. Có khi HS chọn phải trường có điểm chuẩn những năm trước vừa sức nhưng năm nay số HS dự thi tăng đột biến, điểm biến động nhiều.
Học sinh cần căn cứ vào học lực, so sánh điểm chuẩn từng nhóm trường để chọn trường phù hợp -Ảnh: Phùng Huy
Dù ban giám hiệu các trường THCS cho biết, khi có kết quả thi học kỳ II xong, nhà trường đều tổ chức hướng dẫn để PH, HS lựa chọn NV cho vừa sức, dựa vào điểm học tập ở trường, điểm chuẩn những năm trước và chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, nhưng thực tế, năm nào cũng có người vui kẻ buồn vì… chọn sai. Để tránh chuyện trèo cao té đau, PH thường hướng con mình chọn trường thấp hơn cho chắc ăn.
Tuy nhiên, do PH lựa chọn NV dưới sức học của con cho “an toàn” nên khi các trường THPT công bố điểm chuẩn trúng tuyển thì không ít người phải ngậm ngùi tiếc nuối: “Giá như khi đăng ký “gan” hơn một chút thì con đã vào được trường tốt hơn…”.
Loại hơn 12.000 học sinh
Thống kê cho thấy, năm nay TP.HCM có 74.000 HS đang học lớp 9, tăng hơn 10.000 HS so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ có 61.982 chỗ, tỷ lệ HS vào lớp 10 công lập chiếm khoảng 80%. Như vậy, sẽ có hơn 12.000 HS không được vào lớp 10 công lập.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM tư vấn cho PH, HS: Các em cần xác định rõ năng lực của mình, nếu không đủ khả năng tiếp tục học lên THPT thì có thể chọn học nghề. Nếu chọn vào trung cấp chuyên nghiệp 9+3,5 năm hoặc 9+4 năm, các em vừa học nghề vừa học chương trình THPT theo hệ giáo dục thường xuyên. Khi hoàn thành chương trình học, các em sẽ được lợi nhiều hơn vì sẽ tốt nghiệp cùng một lúc hai bằng: tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và tốt nghiệp THPT. TP.HCM vừa đề xuất mô hình 9+5 năm, HS tốt nghiệp THCS có thể học thẳng lên CĐ chính quy mà không cần phải đợi đến khi tốt nghiệp THPT rồi mới thi. TP có đủ chỗ học cho HS sau THCS. Nếu không vào được lớp 10 công lập, các em có thể học ở TTGDTX, trường THPT ngoài công lập.
TP còn đến 9.500 chỉ tiêu vào 26 TTGDTX; hơn 80 trường THPT ngoài công lập tuyển khoảng 20.000 chỉ tiêu; đặc biệt hơn 30 trường CĐ, TCCN tuyển đến 11.500 HS. Như vậy, các loại hình trường lớp của TP có khả năng tiếp nhận trên 103.000 HS tốt nghiệp THCS, trong khi số HS vừa tốt nghiệp lớp 9 của năm nay vào khoảng 74.000 em, dư ra đến 27.000 chỉ tiêu.
Con đường ngoài công lập luôn rộng mở nhưng đó không phải là đích hướng đến của người học nên cuộc đua vào lớp 10 công lập vẫn cứ căng thẳng. Làm thế nào để chọn NV phù hợp là bài toán khó với tất cả PH, HS lớp 9 lúc này. Chọn ba NV lớp 10 thường hay bốn NV lớp 10 chuyên thì mục đích cuối cùng là tìm cho HS một trường công lập có điểm chuẩn phù hợp hoặc chí ít sẽ vớt vát đậu vào một trường công lập cuối cùng ở NV3.
Ông Trần Mậu Minh phân tích: HS đánh giá thực lực của mình có thể đạt được bao nhiêu điểm trong kỳ thi tuyển sinh 10, bằng cách lấy điểm thi ba môn văn, toán và ngoại ngữ trong kỳ thi học kỳ II (tổng điểm của văn x 2 + toán x 2 + Anh văn), trừ hao 10-20% vì đề thi tuyển sinh 10 sẽ có phân loại HS nên khó hơn. Tiếp theo, đối chiếu với điểm chuẩn của các trường THPT năm học trước xem tương ứng với trường nào. Khi đã có NV tương ứng với trường nào rồi thì yếu tố cần tham khảo thêm là chỉ tiêu tuyển sinh của trường đó năm nay tăng hay giảm. Thêm yếu tố cũng khá quan trọng là tỷ lệ chọi của trường.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM tư vấn: Khi chọn ba NV cần chú ý chọn trường NV2 phải có điểm chuẩn thấp hơn NV1 từ hai - ba điểm (vì điểm chuẩn NV2 của một trường có thể cao hơn điểm chuẩn NV1 một điểm và điểm chuẩn có thể biến động so với năm trước) và NV3 phải thấp hơn NV2.
PH và HS có thể chia các trường THPT thành năm top: top 1 bao gồm các trường có điểm chuẩn từ 35 điểm trở lên (THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân,...); top 2 là các trường từ 30-34,75 điểm (THPT Marie Curie, Trưng Vương, Võ Thị Sáu...); top 3 có điểm chuẩn từ 25 - 29,75 điểm (THPT Ten-lơ-man, Nguyễn Thị Diệu, Trần Hữu Trang...); top 4 là từ 20 - 24,75 điểm (THPT Thanh Đa, Ngô Gia Tự....) và top 5 là các trường dưới 20 điểm. Căn cứ vào học lực, HS giỏi có thể đăng ký lần lượt ba NV là các trường top 1-2-3; HS khá giỏi nên chọn các trường top 2-3-4, trung bình khá là các trường top 3-4-5.
Theo Tiêu Hà (PNO)