Nỗi buồn như khách từ xa. Không mong nhưng vẫn đến. Nếu đã không thể trách khách thì tốt hơn nên rộng cửa đón khách vào nhà.
Dù sao đi nữa, cuộc đời liệu có còn nghĩa ngọt bùi nếu thiếu vắng đâu đó ít nỗi buồn cay đắng? Điểm khó chính là làm sao để buồn cứ buồn nhưng đừng chán. Để mài bén lưỡi dao cắt đứt sợi dây oan nối liền buồn và chán rất có thể nhiều khi chỉ cần trông cậy vào chút bột… kẽm! Món ăn ngon chẳng phải nhờ đúng gia vị đó sao?
Buồn chán lây lan
“Hội chứng mệt mỏi kinh niên” đã từ lâu là một thực tế bất khả hoán chuyển, thậm chí ở nhiều đối tượng đang thành đạt. Hội chứng này, trong đó buồn chán vô cớ là một trong các dấu hiệu bệnh lý điển hình. Tệ hơn nữa là nỗi buồn sớm muộn cũng cô đọng thành ngán sợ đến độ muốn nhắm mắt bịt tai để chối bỏ ngày đầu tuần. Hội chứng “ớn ngày thứ Hai” vì thế là tác phẩm rất tâm đắc của người trầm uất. Hội chứng này có tính lây lan rất cao. Lây vì người xung quanh khó vui khi kẻ đứng giữa cứ… buồn! Nói chi đến cảnh vật bên ngoài, “người buồn” kẻ khác “có vui đâu bao giờ”! Bệnh dễ lan rộng vì “hội chứng ngày thứ Hai” như vết dầu lấn dần sang ngày thứ Ba để đến lúc nào đó trở thành “hội chứng suốt tuần” rồi “hội chứng trọn tháng” (trừ ngày lãnh lương, ngày lễ hay ngày nghỉ phép). Buồn chán đến lúc nào đó là một phần day dứt của cuộc đời.
Liệu pháp dự phòng: Khoáng tố kẽm
Thuốc gọi là chữa buồn chán đang có thừa, theo như quảng cáo của các hãng thuốc! Nhà phân tâm cũng không thiếu nhưng lạ làm sao, số người buồn chán cứ tiếp tục tăng nhanh một cách khó hiểu. Cứ đà này khoa tâm thần dù chậm chạp cách mấy cũng phải có lúc bắt đầu chuẩn bị đề án “mở rộng để nâng cấp”. Không chừng sắp đến lúc nhiều nhà điều trị ngành tâm lý phải điều trị “tập thể” trước số cầu vượt quá xa số cung. Toàn bộ vấn đề trên sẽ không mang màu quá đỗi bi đát nếu nhiều thầy thuốc đồng ý quay về với liệu pháp dự phòng, trong đó khoáng tố liệu pháp có thể là đáp án, cụ thể là việc dùng khoáng tố kẽm.
Cung cấp cho cơ thể đầy đủ khoáng tố kẽm đem tới cho ta cảm giác lạc quan, tự tin và yêu đời.
Lượng kẽm trong cơ thể không chứa đầy một muỗng cà phê. Nhưng khoáng tố kẽm có mặt trong từng tế bào vì là thành phần cốt yếu trong cấu trúc của hàng trăm loại men chuyển hóa. Từ lâu người ta đã xác minh nhiều thể dạng bệnh lý phức tạp từ mệt mỏi, trầm uất bước qua rụng tóc, lở ngứa cho đến rối loạn tâm thần, thấp khớp xơ chai mạch máu, thậm chí liệt dương, lãnh cảm… chỉ vì cơ thể thiếu kẽm! Bên cạnh đó, kẽm yểm trợ chức năng giải độc của lá gan. Với người nghiện rượu, nghiện thuốc lá thì khoáng tố kẽm chẳng khác nào “chiếc phao giữa dòng” để các cơ quan giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da đừng bỏ cuộc quá sớm. Hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu trong thập niên gần đây cho thấy vai trò nổi bật của kẽm trong quy trình điều trị nhiều loại bệnh chứng nghiêm trọng.
Thuốc lạc quan
Kẽm tuy mang hình ảnh của vật thể nhưng kẽm lại là đòn bẩy của mọi hoạt động tư duy. Nhờ tác dụng hưng phấn phản ứng phóng thích một số tác chất của hệ thần kinh trung ương có công năng gây cảm giác lạc quan, tự tin và yêu đời, đối tượng có đủ kẽm là người luôn giữ được tầm nhìn của đèn pha. Nhờ có kẽm mà mỗi buổi sáng đều là một ban mai tươi hồng màu hy vọng. Vì đủ kẽm mà mỗi nhịp sống như được bao kín trong tin yêu. Nhiều nhà điều trị đã ngần ngại đánh giá dược phẩm có khoáng tố kẽm hơn xa các loại thuốc gọi là chống buồn chán đang được lưu hành. Thử nghĩ cho cùng, còn gì vô lý hơn khi người bệnh đang buồn chán hết mức phải nuốt thêm thuốc an thần trong khi liều thuốc phù hợp với quy luật của thiên nhiên đang chờ đợi bên đĩa nghêu, sò hấp vừa chín! Đồng nghiệp ở Ấn Độ đúng là phần nào có lý khi đề xướng phương pháp trị nhiều loại bệnh, không riêng gì chứng buồn chán, bằng cách tập… cười! Để trị chứng buồn chán thì “ngàn thang thuốc bổ” của BS Đỗ Hồng Ngọc chắc chắn hiệu quả hơn cả lố thuốc an thần.
Chú trọng “nghêu, sò, ốc, hến” Trái với các khoáng tố khác, bệnh lý do thiếu kẽm có thể xuất hiện rất đột ngột khi chế độ dinh dưỡng vì lý do nào đó không cung cấp đủ kẽm cho cơ thể, dù chỉ trong thời gian tương đối ngắn. Quan trọng hơn hết về mặt tác dụng, kẽm có công năng bảo vệ màng tế bào. Cấu trúc của tế bào nhờ kẽm mà ổn định và trẻ lâu. Nói cách khác, kẽm là nhân tố quyết định cho quy trình phòng ngừa ung thư và trì hoãn tuổi già. Chính vì thế mà hải sản, nguồn cung ứng kẽm chủ lực, là thành phần cần được chú trọng hàng đầu trong bữa ăn của người thường phải lo lao tâm lao lực, người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Hải sản không đồng nghĩa với cua gạch, tôm hùm mới đủ kẽm! “Nghêu, sò, ốc, hến” đã thừa sức để sức đề kháng của cơ thể “đến hẹn lại lên”! |