Cuối tháng tư, một em bé ở huyện Sơn Hà (Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn. Bệnh viện (BV) huyện chuyển lên tỉnh, BV tỉnh không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia trong khi tình trạng bé đã nguy kịch. BV tỉnh liên hệ với BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) nhưng hai nơi này cũng không còn loại huyết thanh nói trên. Em bé tử vong trong sự bất lực của các y bác sĩ.
|
Bệnh nhân mua thuốc tại một quầy thuốc của bệnh viện. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Mấy tuần trước, một em bé ở Ninh Thuận cũng bị rắn cạp nia cắn, tình trạng rất nặng, các bác sĩ đã truyền cho bé đến 140 đơn vị máu và đang cố gắng giành giật mạng sống cho em vì không có huyết thanh. Từ đầu năm đến nay BV Ninh Thuận tiếp nhận 16 ca bị rắn cạp nia cắn, riêng sau cơn mưa đầu mùa hồi giữa tháng 5 là 6 ca. Tất cả đều phải điều trị cấp cứu trong tình trạng không có huyết thanh kháng nọc.
Mới đây một bệnh nhân (BN) quê Tiền Giang bị ung thư thực quản đến khám và được một BV lớn tại TP.HCM chỉ định mổ, tuy nhiên cuối cùng BV không thể thực hiện vì không có vật tư. Chuyển sang BV thứ hai, cũng chỉ định mổ và cũng không thể thực hiện do thiếu vật tư. Hiện gia đình đang tìm BV...
Được biết huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia không đắt, không thiếu nguồn nhập; vật tư cho ca mổ thực quản trên cũng không hiếm. Vậy vì sao lại thiếu? Lý giải tình trạng này, một số ý kiến trong ngành y cho biết có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do các đơn vị ít nhập về vì để hết hạn thì phải huỷ. Mặt khác những tiêu cực và xử lý tiêu cực trong đấu thầu gần đây đã khiến các BV và công ty cung ứng ngán ngại vi phạm quy chế.
Trước tình hình tính mạng BN có nguy cơ bị đe doạ do thiếu thuốc và vật tư y tế, lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Sở Y tế nghiên cứu thành lập trung tâm mua sắm để có một lối mở giải quyết nhanh những vướng víu của cơ chế nhằm bảo vệ tính mạng người bệnh. TP.HCM là trung tâm, nơi có nhiều BV tuyến cao nhất, làm tốt điều này, không chỉ bảo vệ tính mạng người dân TP mà còn cứu chữa BN nặng của các tỉnh phía Nam.
Bởi như Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí: Đừng để người dân tử vong do thiếu những thiết bị có thể mua được mà thiếu cơ chế nên không mua. Đề nghị các ngành nghiên cứu, đề xuất những cơ chế phù hợp cho trung tâm mua sắm. Nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo nhưng bằng mọi giá phải có thuốc, sinh phẩm chữa trị cho người dân. Không để trường hợp người dân nào tử vong do thiếu thuốc, thiếu thiết bị.
Phục vụ con người là mục đích cao nhất trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là đối với ngành y.