Hệ lụy từ vụ Việt Á: Đừng để bệnh nhân thiếu thuốc!

(PLO)- Tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đang xảy ra trên cả nước. Nguyên nhân của việc chậm trễ mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua được chỉ ra, như giá dầu thế giới tăng ảnh hưởng đến giá mua sắm các thiết bị, nếu không xây dựng giá chặt chẽ sẽ bị vướng mắc; Bộ Y tế đang tập trung xử lý các tình huống phát sinh liên quan vụ Việt Á nên thiếu ý kiến của Bộ Y tế cũng gây chậm trễ; các địa phương thiếu hụt nhân lực…

Bệnh viện Bình Dân ứng dụng thiết bị phẫu thuật robot hiện đại. Ảnh: Trần Nhung

Bệnh viện Bình Dân ứng dụng thiết bị phẫu thuật robot hiện đại. Ảnh: Trần Nhung

Khó khăn trong đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế

Ngày 10-6, BS CKII Phan Hữu Chính, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong thời gian qua, ngoài thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, BV còn thiếu cả vật tư y tế, thậm chí thiếu cả băng gạc - một vật dụng y tế quan trọng trong cấp cứu. Nguyên nhân phần lớn là do khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có tình trạng thiếu vật tư y tế do cơ chế chính sách thay đổi. “Theo Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế thì phải chờ các doanh nghiệp kê khai giá lên cổng thông tin Bộ Y tế nên đến giờ vẫn chưa có giá. Bên cạnh đó, theo Thông tư 08/2022 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thì kể từ ngày 1-8-2022, toàn bộ gói thầu tập trung phải được đấu thầu qua mạng nhưng hiện nay hệ thống mạng của Bộ KH&ĐT chưa hoàn thiện nên có chậm trễ. Tình hình dịch bệnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến công tác đấu thầu vật tư y tế, thuốc bị chậm lại chứ không phải do sợ trách nhiệm. Sở Y tế cũng đã làm việc với UBND tỉnh tìm hướng giải quyết” - ông Hiền cho hay.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho biết đến hiện tại, tình hình thuốc và vật tư y tế tại tỉnh này vẫn ổn. Do còn hạn hợp đồng mua thuốc theo các gói đấu thầu tập trung của tỉnh. Chỉ thiếu một số thuốc ở các gói thầu đấu thầu tập trung của Bộ Y tế.

Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế” của Sở Y tế TP.HCM ngày 9-6, nhiều nhân viên y tế chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các BV công lập trên địa bàn TP cũng đồng loạt bày tỏ mong muốn sớm có hướng dẫn rõ ràng việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Họ cho rằng hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác này chưa thật sự đáp ứng các tình huống đa dạng, các yêu cầu từ thực tiễn.

Quyết định chậm trễ của người làm quản lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Sớm tháo gỡ tâm lý e ngại khi đấu thầu

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhìn nhận các địa phương e ngại mua sắm, đấu thầu là dễ hiểu. Để tháo gỡ tâm lý e ngại khi mua sắm, đấu thầu, theo ông Dũng, ngành công an phải làm rõ sự vụ, tránh cho việc hiểu lầm đôi khi lỡ sai gì đó cũng bị xử lý.

Về phía người làm quản lý, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng bản thân từng giữ chức vụ quản lý nên luôn chuẩn bị tâm lý chấp nhận nguy cơ, miễn là có động cơ trong sáng. “Việc rụt rè mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế có thể chấp nhận được nếu trong tình hình người dân không có nhu cầu nhưng trong bối cảnh các ca mổ không có thiết bị y tế, quyết định chậm trễ của người làm quản lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân” - PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng đề nghị: Bộ Y tế, Sở Y tế cần có hướng dẫn giải quyết vấn đề cấp bách này, giải pháp đấu thầu tập trung của TP.HCM cũng là một cách giúp giải quyết vấn đề.

PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, đồng tình TP.HCM cần có một trung tâm mua sắm tập trung để hỗ trợ cho BV và trung tâm đấu thầu tập trung sắp tới phải khác biệt so với trước đây. “Lúc trước, khi thành lập trung tâm đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, nhân viên đa phần là kiêm nhiệm, lần này trung tâm thuộc quản lý của UBND TP nên có sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Tư pháp bên cạnh sự chủ trì của Sở Y tế và các nhân viên chuyên trách, hy vọng sẽ giải quyết được cái lo lắng nhất khi đấu thầu tập trung là không đảm bảo cung cấp kịp thời cho các BV” - PGS Diễm Tuyết nói.

Theo PGS Diễm Tuyết, để việc mua sắm diễn ra thuận lợi, đúng luật định, kịp thời phục vụ chăm sóc người dân, hành lang pháp lý việc mua sắm, đấu thầu cần phải rõ ràng. “Hiện nay, có những thông tư, nghị định người đọc có thể hiểu theo các hướng như A, B, C. Chính vì vậy, nếu BV đọc hiểu theo hướng A nhưng kiểm toán lại nghĩ theo hướng B, còn thanh tra nghĩ theo hướng C thì rất khổ cho đơn vị” - PGS Diễm Tuyết nói.•

Giải pháp của TP.HCM

- Tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng cấu hình… nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm.

- Tham mưu trình UBND TP đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung. Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian vừa để hoàn thiện cơ chế mua sắm mới, vừa đảm bảo không làm gián đoạn cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

- Xây dựng cơ cấu nhân lực với trình độ chuyên môn vừa đáp ứng nhu cầu chuyên môn vừa đáp ứng yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm