Thỏa thuận hạt nhân Iran: Obama tiếp tục 'ghi điểm'
Tuy nhiên, các thượng nghị sỹ Cộng Hoà cam kết tiếp tục phản đối thoả thuận trên, áp đặt những lệnh trừng phạt mới lên Tehran.
Nội bộ Mỹ vẫn mâu thuẫn sâu sắc
Thượng nghị sỹ Dân Chủ Barbara Mikulski bày tỏ sự ủng hộ thoả thuận hạt nhân đạt được vào ngày 14-7 giữa các cường quốc và Iran, theo đó các lệnh trừng phạt về kinh tế lên Tehran sẽ được nới lỏng để đổi lại sự cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này.
Theo danh sách mà bà Mikulski đưa ra, có 34 thượng nghị sỹ ủng hộ thoả thuận trên gồm 32 thượng nghị sỹ Dân Chủ và hai thượng nghị sỹ không thuộc đảng nào nhưng thường bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.
Đây là số phiếu đủ để giúp ông Obama giữ được quyền phủ quyết cho dù Quốc hội Mỹ do các thượng nghị sỹ Cộng Hoà kiểm soát có thông qua nghị quyết phản đối.
Ngoài ra, 10 thượng nghị sỹ Dân Chủ vẫn chưa đưa ra quyết định và hai thượng nghị sỹ Dân Chủ phản đối thỏa thuận hạt trên.
Mục tiêu kế tiếp của phe ủng hộ là xem xét liệu họ có thể giành được ít nhất 41 phiếu để ngăn Quốc hội thông qua nghị quyết phản đối, giúp ông Obama không phải sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trình bày về những điểm quan trọng về thoả thuận hạt nhân với Iran tại một trường đại học ở Washington ngày 5-8-2015
Bà Mikulski phát biểu “Không có thoả thuận nào là hoàn hảo, đặc biệt là thoả thuận với Iran. Tôi nhận ra rằng thoả thuận vừa đạt được với chính quyền Tehran là giải pháp tốt nhất nhằm ngăn nước này sản xuất bom hạt nhân”.
Đối đầu lưỡng Đảng
Nhà Trắng rất vui mừng với số phiếu thuận đang gia tăng và cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các nhà làm luật để giành được càng nhiều phiếu thuận càng tốt.
Các thượng nghị sỹ Cộng Hoà không chấp nhận thực tế này và khẳng định sẽ chống lại thoả thuận đến cùng cho dù thoả thuận này qua được vòng xem xét của Quốc hội bằng việc theo đuổi nhiều biện pháp, trong đó có áp đặt những lệnh trừng phạt lên Tehran liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền và hỗ trợ tài chính cho khủng bố.
Cory Fritz - Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện John Boehner - nói “Nhà Trắng có thể thuyết phục đủ số phiếu ủng hộ từ đảng Dân Chủ nhưng để thoả thuận này được thực hiện thì còn rất xa”.
Thượng nghị sỹ Cộng Hoà Bob Corker - Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Mỹ - cho biết sau khi thoả thuận này được xem xét không bao lâu, Quốc hội có thể sẽ quyết định kéo dài đạo luật trừng phạt với Iran thêm 10 năm nữa.
Ngoài ra, các quan chức chính phủ thuộc đảng Cộng Hoà, trong đó có Thẩm phán tối cao bang Oklahoma - Scott Pruitt - và Thẩm phán tối cao bang Michigan - Bill Schuette - đã thúc giục toàn bộ 50 bang của nước Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran.
Các quan chức trong chính phủ của Tổng thống Obama tỏ ra nghi ngờ việc kéo dài đạo luật trừng phạt, còn Tehran xem các lệnh trừng phạt mới là sự vi phạm thoả thuận hạt nhân.
Các thượng nghị sỹ Dân Chủ sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của đảng Cộng Hoà bằng cách gán những lệnh trừng phạt này vào hành động vi phạm nhân quyền.
Chiến thắng "ngoại giao" của Obama
Hôm qua (2-9) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có một bài diễn văn liên quan đến thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông không tin thoả thuận trên sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn bất lợi và cam kết tiếp tục lập trường cứng rắn với Iran.
Các nhà làm luật Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran vào ngày 17-9 và ngăn ông Obama phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào lên Iran.
Tuần tới Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu bỏ phiếu về thoả thuận hạt nhân trên. Trước sự phản đối cực lực của đảng Cộng Hoà, đảng Dân Chủ đã dành cả mùa hè để kêu gọi sự ủng hộ. Đây được xem là thắng lợi về ngoại giao của ông Obama.
Tuy nhiên phe ủng hộ cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu họ có giành được 41 lá phiếu mục tiêu hay không. Trong khi đó, phe phản đối cần giành được 2/3 số phiếu trong tổng số 100 Thượng nghị sỹ và 435 Hạ nghị sỹ để gạt đi quyền phủ quyết của ông Obama.
Cho đến nay, có hơn 90 thành viên Hạ viện, đều thuộc đảng Dân Chủ, bày tỏ sự ủng hộ đối với thoả thuận này. Nancy Pelosi - lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Hạ viện - bày tỏ mong muốn sẽ nhận được số phiếu cần thiết để giữ được quyền phủ quyết cho Tổng thống Obama.
Vấn đề hạt nhân Iran đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tất cả ứng viên chính của đảng Cộng Hoà đều phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran dù không thống nhất về biện pháp ngăn chặn việc thông qua thoả thuận trên.
Ý kiến mà phe phản đối đưa ra là thoả thuận trên nới lỏng quá nhiều lệnh trừng phạt với Tehran trong khi không đảm bảo được việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Họ lo lắng Tehran sẽ sử dụng 50 tỷ đô-la có được từ sự nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế để tài trợ cho các tổ chức cực đoan có khả năng đe doạ các đồng minh của Mỹ, trong đó có Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cực lực phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran. Một số nhóm ủng hộ Israel ở Mỹ cũng chi hàng triệu đô-la vận động các nhà làm luật chống lại thoả thuận trên.
Một quan chức cấp cao Israel giấu tên cho biết ông Netanyahu sẽ tiếp tục phản đối thoả thuận. Người này nói “Thủ tướng Netanyahu có trách nhiệm bày tỏ sự phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran bởi nó sẽ gây hại không chỉ cho Israel mà còn cho khu vực và thế giới và ông Netanyahu sẽ tiếp tục phản đối”.