Ai đó đặt biệt danh “ngắn” cho Bình thiệt là… chuẩn. Đã nghĩ “ngắn” lại còn bảo thủ, bạn bè chân tình góp ý thì hắn nói một câu cũng ngắn ngủn, nghe mà mất cảm tình: “Tui rứa đó”! Ai đời đêm hôm khuya khoắc, xe hỏng máy, mùi xăng đang nồng nặc, hắn lại… bật quẹt dò tìm chỗ rò rỉ. Rứa là “Phừng” một phát, xe cháy trụi còn mặt Bình thì… đen thủi đen thui!
Vì chuyện đó mà Bình bị kỹ luật chuyển sang lao động phổ thông. Tuy nhiên được mấy tháng thì đến mùa thi công thiếu tài xế, đơn vị lại cho về tiếp tục cầm lái. Luật thi công xe cơ giới xưa nay vẫn vậy, xe không tải tuyệt đối nhường đường cho xe có tải; xe xuống dốc nhường đường cho xe lên dốc. Nhưng vì muốn lợi một chút nhiên liệu để bán mà Bình xem thường quy ước đó. Cứ mỗi lần xe mình đổ dốc là hắn về số 0, thả cho trôi tự do làm đồng nghiệp mấy phen hết hồn. Anh em chân tình phân tích, góp ý: Đường công trường đồi núi quanh co, đi như vậy sự an toàn hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống phanh, mà xe Bình thì đã quá cũ, sẽ có lúc phanh không chịu nổi… Bình bỏ ngoài tai.
Hôm đó, xe Bình là chuyến cuối cùng rời bãi thi công, đường vắng vẻ, thế là anh ta thoải mái thả trôi cho xe đổ dốc. Cũng lúc này, hai chú bê no sữa mẹ trong đồi cây lúp xúp gần đó, giỡn nhau hứng chí bất thần lao ra đường. Bình giật mình đạp mạnh phanh, nghe “xòa” một tiếng phát ra từ chiếc bát phanh bị bể. Mất hơi đột xuất, Bình loạng quạng tay lái để xe lao xuống sườn đồi. May là đang trong thời điểm giao ca, cả công trường nghỉ trưa nên không gây tai nạn cho xe và người khác. Nhưng Bình thì bị gẫy xương vai, trầy trụa cả người, xe bị hư hỏng nặng …
Ngày Bình xuất viện, đơn vị đã ngán ngẩm cái tính đã nghĩ “ngắn” lại còn bảo thủ, bèn gợi ý cho chuyển công tác. Thế mà lại may, Bình gặp đúng hoàn cảnh như Tái Ông được ngựa! Bình khăn gói về “tự thú” với vợ con là lúc thị trấn vừa thành lập một Xí nghiệp xây dựng khá quy mô. Cần tài xế, họ giao cho Bình chiếc xe tải chuyên chở vật liệu mới toanh. Ban đầu ít việc, lâu lâu mới có một chuyến hàng. Ăn lương cơ bản, cảnh nhàn nhã đã tạo ra cho Bình một nếp sinh hoạt riêng. Cứ đến chiều thứ bảy là anh lại về nhà sớm, tự tay nấu vài món ăn ngon nịnh vợ con, rồi một mình ngồi nhâm nhi rượu cho đến ngà ngà say, xong lên giường ngủ sớm với vợ. Thật là hạnh phúc so với những ngày làm tài xế thi công Thủy lợi!
Đến khi xí nghiệp ăn nên làm ra, làm ngày đêm không hết việc thì Bình không thể duy trì nếp sinh hoạt thường tuần của mình được. Chiều thứ bảy hôm ấy, cầm lệnh điều động và phiếu xuất kho ra xe mà đầu óc Bình cứ lỡn vỡn nghĩ: “Đáng lẽ giờ này mình đang ở nhà thư giãn. Chán thật! còn phải lái xe tới nhà máy xi măng nhận hàng. Rồi từ đó, vượt hơn 50 cây số tới nhà máy gạch tuy-nen nằm tận trong vùng sâu Bố Trạch giao hàng, không biết mấy giờ mới về được với gia đình đây?”.
Chiếc xe “no” hàng ì ạch lên dốc cầu Gianh… tiếp tục qua bao làng mạc rồi cũng đến nơi giao hàng. Công trình ở đây đang giai đoạn thi công nước rút, công nhân cũng không ai được về. Tuy nhiên vào ngày cuối tuần họ vẫn duy trì được hội rượu giải khuây. Xe Bình vừa đến nơi là công nhân xắn tay bốc hàng ngay, xong việc liền chung tay bày rượu thịt ra. Những lời mời chân tình của người cùng cảnh ngộ, thêm vào đó giữa cảnh chiều đông rừng núi giá lạnh, mùi rượu gạo và thịt chó nướng thơm lừng “chết tiệt” đã làm Bình không sao cưỡng được: “Ừ, thì làm vài chén cho ấm bụng, đừng để say là được” Nghĩ thế, Bình tặc lưỡi ngồi xuống nâng ly vui vầy cùng anh em.
Trời chập choạng tối và cơn mưa rừng ập đến cũng không cầm chân được người tài xế quen ngủ với gia đình chiều thứ bảy, Bình lên xe nổ máy ra về. Dù đã quyết liệt từ chối chỉ nhấp môi phá mồi, nhưng Bình vẫn thấy đầu óc chếnh choáng. Xe càng về xuôi mưa càng nặng hạt, cặp đèn pha sáng trưng cũng không làm sáng được mắt người say, cũng không soi tỏ được con đường ngoằn ngoèo và dốc ngoặt vùng đồi núi. Đã mấy lần qua khúc cua một bên là núi, một bên là vực, Bình phát hiện mình có hiện tượng nhầm lẫn giữa phanh và ga. Ô kìa! Đạp phanh mà sao xe càng lao nhanh xuống dốc! Thế rồi trong màn đêm mưa chập chùng, thình lình một khúc cua ngoặt xuất hiện trước mặt, Bình đạp phanh nhưng xe lại… bay ào xuống dốc. Bản năng sinh tồn đã giúp anh tỉnh rượu hẳn. Rút kinh nghiệm xe bị bay xuống triền đồi lần trước, Bình dùng hai chân đạp mạnh côn và phanh sát sàn xe, đẩy lưng dính chặt vào ghế lái đồng thời hai tay cầm chắc tay lái và duỗi thẳng ra, rồi… nhắm mắt chờ đợi số phận. Người Bình chơi vơi một loáng rồi nghe “rào” một tiếng thật lớn, át cả tiếng gió mưa trong đêm! Anh ta không còn biết gì nữa…
Tỉnh dậy trong màn đêm tối như mực, Bình lơ mơ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Rờ rẫm một hồi cũng không sao tìm được lối thoát. Qua ánh chớp của cơn mưa, Bình mới biết mình đang ngồi trong ca-bin chiếc xe bị lật ngửa bẹp dúm! Vừa chui ra qua chỗ kính vỡ, Bình đã bị gió mưa làm ướt như chuột lột. Đứng giữa quang cảnh rừng núi tối thui, mưa gió rít lên từng hồi làm Bình rợn người. Và cứ thế, lần mò bước đi như mộng du… Bỗng anh khựng lại vì trước mặt là con suối chặn ngang. Hóa ra nãy giờ chân Bình cứ đi trong vô thức, hướng về phía có ánh sáng và tiếng động phát ra từ con suối hung hãn nước đổ như thác. Quá hãi hùng Bình lại ngất tiếp!
Lần thứ hai tỉnh lại, Bình đã biết lạnh, biết đau, đã hình dung được sự việc vừa xảy ra và nhận thức được việc mình cần phải làm. Anh quay ngược trở lại thì đụng phải chiếc xe của mình, trời tối đến mức phải dùng tay lần sờ mới biết xe bị lật ngửa, mới xác định được đâu là đầu, là đuôi xe. Cứ theo ngược hướng xe lao xuống mà lóp ngóp bò lên dốc, cuối cùng Bình cũng lên được con đường chính.
Bình thú nhận: Lên được đường rồi mới có cảm giác sợ chết, vừa đi vừa khóc. Đi mãi cuối cùng cũng bắt gặp ánh lửa bập bùng trong một lán trại ven đường của những người trồng rừng. Vì đã dồn tổng lực lần mò tìm sự sống, nên vừa gần được ánh lửa ấm áp là Bình lại… ngất ngay. Tỉnh lại với bộ áo quần được thay khô ráo, húp xong miếng cháo nóng, Bình tỉnh táo trình bày lại sự việc với người chủ lều và nhờ họ giúp đỡ...
Sau gần mấy giờ, xe đơn vị đã có mặt đưa Bình về bệnh viện gần đó cấp cứu.
Từ khi bị tai nạn, nguồn thu nhập của gia đình Bình đã bị cắt đột ngột, thêm vào đó vợ Bình phải nghỉ việc để chăm sóc chồng trong lúc hai con đang tuổi ăn, tuổi học. Bị gãy xương vai lần hai, chấn thương phổi nặng lại còn vật vã gào khóc giữa mưa rét khiến Bình phải nằm viện gần cả năm trời. Đơn vị biết hoàn cảnh gia đình Bình nghèo, thương tình không truy cứu việc bồi hoàn tiền sửa chữa xe, nhưng gia đình Bình vẫn khánh kiệt.
Bình “ngắn” nói với tôi giọng thều thào của một người mắc bệnh phổi mãn tính: “Nghề gì sai lầm còn có thể khắc phục, chứ nghề tài xế lỡ một lần là ôm hận suốt đời. Bằng lái xe của tôi không ai thu, nhưng tự biết sức khỏe của mình không còn lái xe được nữa, nên đành bỏ cho hết thời hạn”. Nghỉ một lúc lấy hơi rồi Bình tự an ủi mình: “Cũng may, hôm ấy tôi biết cách gắn chặt mình vào ghế xe, không thì…!”. Câu nói sau cùng của Bình “ngắn” nghẹn lại trong cổ họng. Nhưng đã quá muộn…
Trích “Cuộc đời sau tay lái” của Trần Kiêm Hạ