Sáng 29-7, thông tin tại cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau động đất do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết trận động đất xảy ra tại Mộc Châu (Sơn La) ngày 27-7 là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực này.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: AH
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết vào 12 giờ 14 phút ngày 27-7, tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra một trận động đất với độ lớn 5.3, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, vùng chấn tâm.
"Đây là trận động đất có độ lớn trung bình, có khả năng gây thiệt hại cho những công trình xây dựng kém. Sau trận động đất đó, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục quan trắc thì phát hiện có 16 trận dư chấn của trận động đất này có độ lớn từ 2.5-4 và khoảng 10-15 dư chấn nhỏ hơn, có độ lớn dưới 2.5" - ông Xuân Anh nói.
Theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất này xảy ra trên đới đứt gãy sông Đà. Trên đứt gãy này có thể xảy ra động đất với độ lớn 5.5, như vậy trận động đất vừa qua ở Mộc Châu có độ lớn 5.3 là nằm trong dự báo.
Khu vực Mộc Châu từng ghi nhận hai trận động đất, năm 1943 - độ lớn 4.8, và năm 1993 - độ lớn 4.2. Như vậy, theo ông Xuân Anh, trận động đất ngày 27-7 là mạnh nhất ở khu vực này cho đến nay.
"Trong vài ngày tới, Viện Vật lý địa cầu dự báo các dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ giảm dần", ông Xuân Anh cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình có khoảng 560 hồ chứa. Tình hình chứa nước về cơ bản vẫn đang ở mức thấp.
Còn Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho biết ngay sau khi động đất xảy ra, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình thủy điện trên địa bàn. Kết quả đến nay là vẫn đảm bảo an toàn.
Thông tin đưa ra tại cuộc họp cho biết các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La đều được thiết kế để chịu được động đất ở cấp cao hơn các trận động đất đã xảy ra tại khu vực này. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực sẽ tiếp tục thuê các chuyên gia chuyên ngành để có đánh giá kỹ hơn.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn và người dân để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Đối với các hồ thủy lợi, ông Hoài đề nghị các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, có kế hoạch bảo đảm an toàn cho các hồ lớn, đặc biệt là các hồ xung yếu.
"Đây là tình huống bất thường. Thời gian tới, vào đầu tháng 8 ở Bắc bộ và Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng. Ngoài khơi xa đang xuất hiện một vùng áp thấp, có thể vào biển Đông và mạnh lên. Cùng lúc, phía Lào dự báo thời gian tới sẽ có mưa lớn, tác động đến dòng chảy sông Mê Kông, tác động đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những hình thái thời tiết nguy hiểm mà hệ thống phòng chống thiên tai của chúng ta phải sẵn sàng ứng phó" - ông Hoài nhấn mạnh.