Bộ Y tế đã chuẩn bị cho tình huống xuất hiện ca bệnh

Tuy nhiên, với tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, Bộ Y tế đã chuẩn bị một số hoạt động của tình huống 2 (khi xuất hiện các ca bệnh ở Việt Nam - PV)”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại buổi họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh diễn ra chiều 11-8 tại Bộ Y tế.

Theo ông Long, điều căn bản nhất là không để dịch lây lan vào Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chủ động đưa vào chương trình ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để đáp ứng nhanh, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho rằng các bộ, ngành và địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. “Đây là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy trong công tác phòng, chống phải xác định mục tiêu cao nhất đừng để dịch bệnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn phải chủ động phương án đề phòng, kiểm soát, khống chế, thu dung, điều trị, cách ly không để dịch lây lan. Đảm bảo ít thiệt hại nhất đến tính mạng và sức khỏe người dân” - ông Định nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, cho biết trung tâm đã thành lập các kíp trực tăng cường giám sát 24/24 giờ tại Cảng Hàng không Nội Bài, thực hiện giám sát 100% các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. “Chúng tôi đảm bảo hai máy kiểm tra thân nhiệt vận hành tốt và hai máy dự phòng để đảm bảo hoạt động kiểm soát liên tục và an toàn cho kiểm dịch viên” - ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, trung tâm đã chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp ứng phó nếu dịch xảy ra. Cụ thể, củng cố hai phòng cách ly, chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ, xe vận chuyển bệnh nhân chuyên dụng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã xây dựng phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. “Nếu khách là người dân Hà Nội, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, trung tâm y tế dự phòng giám sát trong 21 ngày, nếu có bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế. Nếu khách là các tỉnh khác, chúng tôi gửi danh sách cho Cục Y tế dự phòng để gửi về các địa phương yêu cầu giám sát. Nếu là khách quốc tế, chúng tôi cung cấp thông tin và số điện thoại, nếu có những biểu hiện của bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan y tế” - bà Ngọc nói.

Theo bà Ngọc, Hà Nội sẽ tích cực phòng, chống dịch, tuy nhiên cũng tuyên truyền vừa mức, không gây hoang mang trong nhân dân. “Các đơn vị phải chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư khi có tình huống xảy ra. Khi nghi ngờ có ca bệnh thì chúng tôi chuyển ngay về năm BV của Hà Nội có khoa Truyền nhiễm là BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Bắc Thăng Long. Sắp tới, Sở Y tế cũng tập huấn cho năm BV này” - bà Ngọc nói.

Được biết mỗi ngày Nội Bài tiếp nhận 7.000 khách quốc tế với 50-60 chuyến bay.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm