Cha mẹ hướng dẫn con cái làm gì?
“Nếu Ebola xuất hiện ở TP.HCM, các bậc cha mẹ phải làm gì, phải hướng dẫn con làm gì để phòng ngừa lây nhiễm?”.
Theo BS Hưng, giả sử Ebola xảy ra ở TP.HCM và có nguy cơ lây lan, trước hết các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con cái giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng ở nhà và trong trường học.Chỉ được ăn thịt và tiết động vật khi được nấu thật chín. Tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ nhiễm Ebola cao như loài dơi, khỉ, vượn… Nếu con cái có những biểu hiện bất thường như sốt cao, đau đầu, đau họng, tiêu chảy cấp… thì phải báo ngay cha mẹ biết để đưa đến cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy luôn để mắt tới con cái, hạn chế để con ăn uống bên ngoài, nên mua thực phẩm về nhà chế biến và nấu nướng thật chín. Thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… bằng cloramin B hoặc hóa chất sát khuẩn thông thường. Trong trường hợp Ebola xuất hiện gần nơi ở thì các bậc phụ huynh cùng con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi.
Cha mẹ nhớ rằng con cái khỏe mạnh, cơ địa tốt sẽ có khả năng chống chọi được virus gây bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, hãy chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con.
Áp phích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên truyền về biểu hiện của bệnh Ebola và hướng dẫn cách phòng, chống căn bệnh chết người này. Dịch: TNT, đồ họa tiếng Việt: TT
Trong nhà có người mắc Ebola, xử lý ra sao?
“Giả sử trong nhà có người mắc Ebola thì nên đưa tới đâu? Những người trong nhà phải áp dụng các biện pháp gì để tránh bị lây nhiễm?”. BS Hưng cho biết theo nguyên tắc chung thì nên chuyển người bệnh Ebola đến những cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp người nhà nhiễm Ebola ở TP.HCM thì nên đưa đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (đối với người lớn), BV Nhi đồng 1 hoặc BV Nhi đồng 2 (đối với trẻ em). Tuy nhiên, nếu mức độ bệnh nhân mắc Ebola quá đông thì nên chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tránh lây lan hoặc nhiễm chéo bệnh như dịch sởi vừa qua. Tất cả cơ sở y tế TP.HCM thực hiện điều trị Ebola theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế nên người bệnh và thân nhân yên tâm.
Virus Ebola rất dễ lây truyền từ người qua người. Do đó thành viên trong gia đình dễ có nguy cơ lây nhiễm nhất. Để phòng ngừa, khi chăm sóc bệnh nhân trong BV hoặc tại nhà thì nên sử dụng đồ phòng hộ cá nhân như khẩu trang hoạt tính, kính bảo hộ, mũ, găng tay, quần áo… Bên cạnh đó, hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc hóa chất khử khuẩn. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi, họng… Còn một điều cũng nên lưu ý, quần áo, mùng mền, đồ dùng… bệnh nhân đã sử dụng phải được ngâm nước sôi hoặc hòa chất khử trùng có clo hoạt tính từ một đến hai tiếng trước khi giặt, rửa.
Ngoài ra, virus Ebola có thể truyền qua sữa mẹ. Do vậy, khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh thì cả mẹ và con cần được nhập viện, cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú trong suốt thời gian cách ly.
Cha mẹ nên khuyên con cái thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ở nhà, trong trường để tránh lây nhiễm Ebola. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hệ thống y tế đã sẵn sàng đến đâu?
“Trước khả năng dịch Ebola thâm nhập vào Việt Nam, các cơ sở y tế phường, xã, quận, huyện và thành phố trên địa bàn TP.HCM đã sẵn sàng đối phó như thế nào?” - chúng tôi đặt câu hỏi với BS Nguyễn Đăng Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 12. BS Tuyến cho biết các trạm y tế phường đang phối hợp UBND các phường thực hiện truyền thông phòng, chống Ebola tại khu dân cư. Đồng thời, các trạm y tế phường cũng đã rà soát, chuẩn bị khu vực cách ly bệnh nhân, dụng cụ bảo hộ, thuốc men…
Cũng theo BS Tuyến, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Ebola. Vì vậy, các trạm y tế phường sẽ chủ động chẩn đoán, phát hiện kịp thời người mắc Ebola để nhanh chóng chuyển lên BV tuyến trên. “Các trạm y tế phường thuộc quận 12 cũng chú ý các biện pháp phòng tránh lây nhiễm Ebola cho nhân viên y tế” - BS Tuyến nói.
Trong khi đó, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết do BV có khoa Nhiễm nên đã chuẩn bị sẵn những phòng cách ly ngay khi xảy ra dịch… Trong trường hợp tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Ebola thì BV xử lý ngay các triệu chứng như nóng, sốt, đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Là cơ sở y tế tuyến thành phố, BV Nhân dân 115 cũng đã rà soát lại các phòng cách ly, thuốc men… để đối phó dịch Ebola. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV, cho biết BV thực hiện đúng hướng dẫn điều trị hội chứng nhiễm virus của Bộ Y tế. Trong trường hợp cần vận chuyển, BV dùng xe chuyên dụng, nhân viên y tế đi theo phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân. Các vật dụng bị ô nhiễm, đồ bỏ và chất thải của bệnh nhân sẽ được khử trùng và xử lý theo quy định.
“Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm Ebola tử vong, BV xử lý tử thi theo Thông tư số 02/2009 của Bộ Y tế” - TS Phú cho biết thêm. Cụ thể, với người chết thì thời gian quàn ướp thi hài không quá 24 giờ kể từ khi chết. Thi hài phải được xử lý trước khi khâm liệm bằng các hóa chất diệt khuẩn.
TRẦN NGỌC
15 công dân Việt Nam trong vùng dịch Ebola Chiều 11-8, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Trưởng phòng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cho biết hiện tại ở Nigeria, một trong bốn quốc gia đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh Ebola gây nên, đang có 15 công dân Việt Nam sinh sống. Trong đó, có năm công dân ở ngoài vùng dịch và 10 công dân ở trong vùng dịch. “Theo báo cáo của cơ quan sứ quán Việt Nam tại Nigeria, trong số 10 công dân đang ở trong vùng dịch, chưa có trường hợp nào có biểu hiện mắc bệnh Ebola. Riêng ở ba quốc gia còn lại, hiện Bộ Ngoại giao đã có công điện đến các đại sứ quán hướng dẫn cho các công dân Việt Nam sinh sống tại đây phải tích cực chủ động phòng, chống dịch” - bà Hằng nói. Bà Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các đại sứ quán cập nhật số công dân đang sinh sống ở các quốc gia có dịch này báo cáo về Bộ và nếu có các trường hợp nghi nhiễm bệnh cũng phải có báo cáo kịp thời. Theo Tổng cục Du lịch, hiện không có du khách ở Việt Nam sang các nước Tây Phi. Số người sang khu vực này chủ yếu là đối tượng xuất khẩu lao động. Số lượng khách du lịch ở Tây Phi đến Việt Nam cũng rất ít, chủ yếu là những trường hợp quá cảnh, đi qua Việt Nam để sang Thái Lan hoặc một số nước khác trong khu vực. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tất cả hành khách vừa trở về từ Lybia đều được thực hiện khai báo y tế, sức khỏe tốt. Tất cả đều được theo dõi 21 ngày sau khi về nước. HUY HÀ |