Cần có cơ chế tương thích cho TP Thủ Đức

Sáng 6-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019-2021.

Cần kiến nghị tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức

Góp ý cho đề án thành lập TP Thủ Đức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng nếu thẩm quyền ở đây vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện, trong khi giao cho một khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn một số tỉnh thì rất khó thực hiện. “Hiện nay chiếc áo đang mặc là rất chật, bây giờ ba người lại mặc chung một chiếc áo thì liệu có giải quyết được không? Nếu chúng ta không tính toán điều này thì sẽ không giải quyết được” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, thẩm quyền của các đơn vị hành chính cấp huyện vẫn bị trói buộc ở các luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách… nếu giao quản lý rất rộng nhưng thẩm quyền phải xin ý kiến ba tầng thì không giải quyết được vấn đề gì.

“Do đó, cần phải có nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này (TP Thủ Đức - PV), kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính” - ông Minh nói. “Chứ như hiện nay, trưởng công an 24 quận, huyện nếu bổ nhiệm phụ trách tới ba quận thì chắc không ông nào muốn nhận chức. Bởi thẩm quyền như hiện nay thì không ai muốn xỏ tay vào cái áo” - ông Minh nói thêm.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng cần tăng thẩm quyền cho TP mới Thủ Đức. Ảnh: TÁ LÂM. Cử tri Lê Thanh Tùng, quận 9 mong quy hoạch tổng thể của TP Thủ Đức phải bài bản, có tầm nhìn cho 20-30 năm sau. Ảnh: THANH TUYỀN

“Đề án hướng đến sự đảm bảo tốt nhất”

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng đề án có nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc những hệ lụy liên quan đến đời sống người dân, việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sáp nhập ba quận phía đông thành TP Thủ Đức.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng khi lập TP Thủ Đức cần phân tích sự tác động tới cơ sở hạ tầng, an ninh xã hội của ba quận. “Chúng ta còn nhiều câu hỏi về đề án như thế này thì người dân sống tại đó, bị ảnh hưởng còn thắc mắc nhiều hơn” - bà Hòa nói.

Trả lời các ý kiến phản biện tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết kỳ họp HĐND TP tới đây sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến đề án thành lập TP Thủ Đức. Các đại biểu sẽ thảo luận phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân. “Đề án hướng đến sự đảm bảo tốt nhất, không ảnh hưởng đến việc người dân thực hiện các nhu cầu hành chính, giao dịch kinh tế” - ông Nhân nói.

Còn về phía mình, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức sau khi TP Thủ Đức được thành lập. Ngoài ra, sở sẽ cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền đơn vị hành chính mới.

Cần đảm bảo chặt chẽ trong quy hoạch

Cũng trong sáng 6-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 9 trước kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.

Vấn đề thành lập TP Thủ Đức trong tương lai được đông đảo cử tri quan tâm. Cử tri Lê Thanh Tùng cho rằng quy hoạch tổng thể của TP Thủ Đức phải bài bản, có tầm nhìn cho 20-30 năm sau.

Cử tri Tùng bày tỏ băn khoăn về sự thay đổi các giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ nhà đất… khi thành lập TP Thủ Đức. Ông cho rằng chính quyền cần có câu trả lời xác đáng, cụ thể cho người dân hướng giải quyết về điều này.

Ông Tùng cũng nhấn mạnh đến việc cần phải ngăn chặn ngay tình trạng các đại gia bất động sản đón đầu và thâu tóm đất đai xung quanh khu đô thị mới, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cần phải làm đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” về các vấn đề liên quan đến thành lập TP Thủ Đức .

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê 

Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) cho rằng cần phải làm rõ sự khác biệt của TP Thủ Đức so với việc sáp nhập ba quận lại thành một quận lớn như trước kia. “Cụ thể sự khác biệt đó là gì? Mô hình TP trong TP có ưu việt gì cho việc thu hút đầu tư cũng như tạo cơ hội cho các quận 2, 9, Thủ Đức trong tương lai?” - cử tri Dung nêu ý kiến.

Trao đổi về băn khoăn của cử tri, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết vừa qua cả ba quận nằm trong đề án sáp nhập đã lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác và đề án này đang được TP hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét.

Ông Khuê cho biết việc sáp nhập ba quận để thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (tên tạm gọi là TP Thủ Đức) không chỉ đơn giản là việc ba quận sáp nhập lại theo công thức con số, cộng trừ đơn giản.

Vì thế cần phải tuyên truyền làm sao để cử tri hiểu rõ hơn ưu thế của việc thành lập TP Thủ Đức mới này, chứ không phải là sáp nhập ba quận lại là xong, như huyện Thủ Đức cũ trước đây.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng lãnh đạo quận 9 cần lắng nghe ý kiến của người dân. Như việc cử tri nói cần phải siết chặt quản lý quy hoạch, giải quyết các dự án, xác lập cơ cấu sử dụng đất của ba quận để ngừa trước những vấn đề phức tạp nảy sinh khi lập TP mới. “Đừng để cử tri nghĩ rằng việc thành lập TP Thủ Đức chỉ là khoác lên cái áo mới chứ bên trong thì không có sự thay đổi gì!” - ông Khuê lưu ý.

Tính đến sự ổn định lâu dài, tránh xáo trộn

Phát biểu mở đầu hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019-2021, ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết hiện nay UBND các quận, huyện đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. “Mặc dù đa số cử tri đều đồng ý phương án sáp nhập quận, phường nhưng một số cử tri vẫn băn khoăn về việc đặt tên phường cũng như công tác quản lý hành chính sau sáp nhập” - ông Phước nói.

Tại hội nghị, đa số đại biểu nhất trí cao với ý kiến sắp xếp lại đơn vị hành chính, bao gồm đề án thành lập TP Thủ Đức từ sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng đề án cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho đầy đủ, đảm bảo tính khoa học và thuyết phục.

Góp ý cho phương án sáp nhập phường, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng cần tính đến việc ổn định lâu dài, tránh xáo trộn cuộc sống của người dân. “Có những tên đường, địa danh đổi tên tùy tiện quá, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn chưa vừa lòng, muốn đổi nữa, mỗi lần đổi là không chỉ khổ dân mà cán bộ quản lý hành chính địa bàn đó cũng khổ, rất mệt!”- ông Minh nói.

Đơn cử như theo đề án, phường 6, 7 và 8 (quận 3) sẽ được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng nhưng việc lấy tên chị Võ Thị Sáu đặt tên phường liệu có phù hợp hay không và về mặt lịch sử có gắn gì với địa phương đó không. Do đó, để ổn định và tránh xáo trộn cho người dân, khi nhập phường nên chọn một tên cũ để giữ lại làm tên phường mới, chứ không nhất thiết phải đổi tên mới. Từ đó, một phần dân cư ở đó không bị xáo trộn. Còn nếu buộc phải đổi tên phường thì cần lý giải rõ ràng cho dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm