Cần Thơ dịch ở cấp độ 1, dỡ chốt cửa ngõ, mở lại hầu hết các hoạt động

Ngày 18-10, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Công văn số 5168 về việc quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tương đương với Cấp độ 1.

Tuân thủ các quy định chung

TP Cần Thơ tiếp tục yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng, khám chữa bệnh…

Khi có triệu chứng liên quan đến COVID-19 như sốt, ho, mất khứu giác… phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi tổng đài 1022 để được tư vấn, hỗ trợ; Tuân thủ việc cách ly tập trung nêu là F1, nếu là F0 thì điều trị tại các cơ sở theo quy định của TP.

Cần Thơ quy định các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểm soát người ra vào bằng mã QR. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 trong từng lĩnh vực hoạt động theo quy định của Bộ Y tế, UBND TP và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Có biện pháp kiểm soát đối với những người đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ, thương mại bằng mã QR; Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 với 100% người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, vị giác…

Bên cạnh là các yêu cầu cụ thể đối với các hoạt động. Cụ thể là đối với điểm, khu vực đang thực hiện phong tỏa, cách ly thì đảm bảo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Đối với khu vực còn lại thực hiện theo các quy định sau:

Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế về vaccine, xét nghiệm.

Quy định về vận tải công cộng và kinh doanh, dịch vụ

Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội thành hoặc liên tỉnh, TP được phép hoạt động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tạm thời của Bộ GTVT và hướng dẫn của Sở GTVT; Hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) thực hiện theo hướng dẫn của UBND TP và Sở Công thương.

Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tạm thời của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và Sở GTVT, Xây dựng.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện tịch được phép hoạt động và thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất khách hàng đến mua hàng theo hướng dẫn của hai Bộ Y tế và Công thương.

Cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa…) bán hàng tại chỗ được phép hoạt động, bảo đảm khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m.

Sở Công thương hướng dẫn các chợ hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Công văn 4728 của Bộ Công thương.

Sở Công thương hướng dẫn các chợ hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Công văn 4728 của Bộ Công thương. Ảnh minh họa: NHẪN NAM

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, xông hơi, bấm huyệt, vật lý trị liệu, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử được phép hoạt động khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện sau:

Nhân viên, người lao động, khách hàng phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Nhân viên, người lao động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR định kỳ 3 ngày/lần.

Khách hàng khi sử dụng dịch vụ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu; tất cả người tham gia hoạt động đều phải được kiểm soát bằng mã QR.

Trước khi hoạt động phải được sự thẩm định và cho phép của Chủ tịch UBND quận, huyện nơi cơ sở hoạt động.

Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp thực hiện theo quy định của hai Bộ GD&ĐT, Y tế và kế hoạch của UBND TP.

Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước: Người đứng đầu cơ quan, công sở Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp, bảo đảm thực hiện các biện pháp an toàn, chống dịch cho cán bộ, công chức, viên chức vàa người lao động.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: chức sắc, tín đồ và người tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự phải tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ khai báo y tế…

Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được phép hoạt động theo quy định của Bộ VH-TT&DL và hướng dẫn của Sở VH-TT&DL.  Người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19; nhân viên và người lao động phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần.

Quy định với người ra, vào TP

Về kiểm soát người đến và về TP ở địa bàn ở Cấp 1, 2 thì không chỉ định xét nghiệm, người dân phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của lực lượng chức năng tại các điểm hỗ trợ khai báo y tế của TP, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; về địa phương phải khai báo y tế, cam kết thực hiện các biện pháp tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Cần Thơ quy định cụ thể với người từ các tỉnh, thành vào TP tùy theo địa bàn ở Cấp 1,2 hay 3,4 để có hướng dẫn cụ thể. Ảnh: CHÂU ANH

Đối với người về từ địa bàn có dịch (cấp 3, cấp 4), việc giám sát, xét nghiệm, cách ly thực hiện theo Kế hoạch 207 ngày 6-10-2021 của UBND TP; Người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng (chưa tiêm đủ vaccine) thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày, xét nghiệm ba lần.

Người đi công tác theo quyết định của cơ quan nhà nước thực hiện theo Công văn 6386 ngày 6-8-2021 của Bộ Y tế. Lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện theo Công văn số 7316 ngày 3-9-2021 của Bộ Y tế.

Về kiểm soát người dân ra khỏi TP: TP khuyến khích người dân hạn chế việc di chuyển ra khỏi địa bàn TP đến các tỉnh, thành khác.

Khi di chuyển phải chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của tỉnh, thành nơi đến. Trường hợp địa phương nơi đến yêu cầu phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi thì công dân liên hệ UBND cấp xã nơi đang sinh sống hoặc cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của địa phương nơi đến để được xác nhận theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm