Cần Thơ: Tiến độ làm các khu tái định cư chậm

Chiều 11-3, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng cơ bản năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

UBND TP Cần Thơ họp với các sở, ngành và quận, huyện về đầu tư xây dựng cơ bản chiều 11-3. Ảnh: NHẪN NAM

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo tiến độ tám công trình hạ tầng giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 7.354 tỉ đồng.

Theo đó, dự kiến tất cả các dự án nêu trên sẽ được trình UBND TP phê duyệt chậm nhất trong tháng 5-2021. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) mất rất nhiều thời gian.

Cạnh đó, tiến độ thực hiện các khu TĐC còn chậm, chưa đạt yêu cầu cũng ảnh hưởng đến công tác bố trí TĐC cho các dự án trọng điểm như khu TĐC Long Hòa 2 do Trung tâm phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư chưa được phê duyệt dự án đầu tư; Khu TĐC Phong Điền chưa được khởi công.

Đến thời điểm hiện nay chỉ có khu TĐC Ô Môn cơ bản hoàn thành. Khu TĐC Cái Răng, Thốt Nốt đã triển khai và thi công trong năm 2020. Khu TĐC Ninh Kiều mới khởi công ngày 20-2-2021 và khu TĐC Bình Thủy (khu 1) đang trong giai đoạn xét thầu.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác xây dựng cơ bản. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề nghị các đơn vị, địa phương phải chủ động xem lại chính bản thân mỗi cơ quan (về năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, tư vấn, thiết kế) thấy khâu nào, điểm nào, cá nhân, tổ chức nào có vấn đề thì tham mưu cấp trên có các biện pháp thay thế.

Ông Mạnh cho rằng giải quyết được các vấn đề trên sẽ góp phần tránh được sự lãng phí nguồn lực hết sức quan trọng của TP trong công tác xây dựng cơ bản.

“Chúng ta có được nguồn vốn rất khó khăn, chúng ta ưu tiên cho những công trình mà chúng ta thấy quan trọng để tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến giờ phút này mà chúng ta vẫn tiếp tục để vốn, tiền của nhà nước, của nhân dân để đó không sử dụng được, không đưa được vào công trình, không hoàn thành được công trình nên không đưa vào khai thác được, đó là sự lãng phí. Sự lãng phí đó là trách nhiệm của chúng ta” – Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói.

Theo ông Mạnh, TP cần cụ thể hơn trong giải quyết vấn đề về GPMB. Ông Mạnh cho biết UBND TP đang cho sửa quy định về chính sách đền bù và TĐC để làm sao việc đền bù, hỗ trợ cho người dân trong cả hai trường hợp TĐC phân tán và TĐC tập trung có lợi ích về mặt kinh tế cơ bản ngang nhau.

Về khung giá, TP đang rà soát để điều chỉnh làm sao cố gắng hỗ trợ, đền bù đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Về TĐC, ông Mạnh cho biết: “Trong kế hoạch trung hạn 2021-2026, TP còn giữ được bao nhiêu tiền là dành hết cho các quận, huyện làm các khu TĐC. Từ đầu năm 2020 đến giờ là hơn một năm nhưng tiến độ triển khai rất chậm, cái đấy thuộc về trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện. Không có nền TĐC sẽ làm ách tắc các dự án, công trình dự kiến triển khai”.

Theo báo cáo của UBND TP, năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công của TP là 5.163 tỉ đồng. Tính đến ngày 31-1- 2021, tổng số vốn thực hiện đã bố trí theo quyết định của UBND TP là 5.133 tỉ đồng, giá trị giải ngân 4.406 tỉ đồng, đạt 85,85%.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với tổng vốn là hơn 6.776 tỉ, tăng hơn 375 tỉ so với kế hoạch vốn được giao đầu năm 2020. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 2.537 tỉ, vốn ngân sách địa phương là hơn 4.239 tỉ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy