BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VŨ HUY HOÀNG:

Chưa thể nói nhóm lợi ích chi phối giá xăng dầu

Những lo ngại về nhóm lợi ích chi phối giá xăng dầu đã được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sáng 14-6. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cho rằng những bất cập trong giá xăng dầu là do các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, cần phải sửa đổi chứ không liên quan đến lợi ích nhóm.

Chậm hạ giá: Dân thiệt, DN đút túi tiền tỉ

Đề cập tình trạng khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng ngay với mức tăng cao; nhưng khi giá xăng dầu thế giới hạ thì trong nước lại hạ rất chậm với mức hạ không đáng kể, gây bức xúc trong dư luận, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình như thế nào? Ở đây có sự tác động của lợi ích nhóm và liên quan đến độc quyền doanh nghiệp (DN) xăng dầu hay không?”.

Chưa thể nói nhóm lợi ích chi phối giá xăng dầu ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ sự bức xúc của cử tri, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có hiện tượng giá thế giới giảm tương đối mạnh mà giá trong nước chỉ giảm có mức độ. Điều này là do thực hiện theo Nghị định 84 và để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang phối hợp nghiên cứu về quỹ bình ổn giá xăng dầu, tần suất điều chỉnh giá cũng như trách nhiệm của các thương nhân, các đầu mối…

Không đồng tình với việc Bộ trưởng Hoàng quên trả lời về nhóm lợi ích, ĐB Lâm phải truy tiếp: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời ý của tôi cho rõ thêm là: Vấn đề điều hành giá xăng dầu vừa qua có sự tác động của lợi ích nhóm hay không, có liên quan đến việc độc quyền DN xăng dầu hay không? Vì vừa qua Bộ không chủ động, khi có dư luận thì mới giảm. Theo tôi được biết, chậm một ngày giảm giá thì DN sẽ có lãi hàng tỉ đồng, trong khi đó người dân phải chịu thiệt”.

Tán thành với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) “truy” bổ sung: “Trong điều chỉnh tăng và giảm giá xăng hiện nay, theo phân tích của báo chí, các nhà kinh tế và cử tri cho rằng thường có lợi cho các DN hơn là có lợi cho người tiêu dùng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về việc trên?”.

Đáp lại, ông Hoàng khẳng định không có cơ sở để nói lợi ích nhóm tác động lên giá xăng dầu. Sắp tới đây sẽ triển khai dự án lọc dầu ở Nghi Sơn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả việc phân phối trong phạm vi sản phẩm của họ. “Tôi nghĩ nếu nói vì lợi ích nhóm thì chắc chưa có đủ cơ sở khẳng định như vậy” - ông Hoàng nói.

“Thủy điện Sông Tranh vẫn an toàn”

Đó là khẳng định của cả Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước câu hỏi của nhiều ĐB về sự an toàn cũng như trách nhiệm nếu đập Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) bị vỡ.

“Trách nhiệm của chúng ta phải đảm bảo công trình tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2 bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện thấy không an toàn thì kiên quyết dừng” - ông Hoàng nói.

Chia lửa với Bộ trưởng Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn và không cần phải di dân. “Hiện nay Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cùng với Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã quyết liệt tập trung chỉ đạo chủ đầu tư và chủ đầu tư đang tập trung chống thấm, cố gắng khắc phục trước mùa lũ và chỉ được tích nước khi đập này khẳng định là an toàn”.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền nhận xét trả lời của Bộ trưởng Hoàng vẫn chưa rõ trách nhiệm cụ thể. “Từ khi xảy ra sự cố rò rỉ thấm nước ở đập thủy điện này đến nay đã nửa năm rồi, các cơ quan nhà nước đã thanh tra, kiểm tra kết quả thế nào, xử lý ra sao đối với những người trong hội đồng nghiệm thu, thiết kế, thi công? Phải nói rõ với dân chứ không thể nói chung chung là chúng tôi đang tìm cách khắc phục” - ông Quyền nói.

Nói đập Sông Tranh 2 an toàn chẳng ai tin!

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng nói đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn mà không đưa các đoàn giám định độc lập, đưa máy móc hiện đại vào khảo sát toàn diện để đưa ra các con số là không được. Giải quyết hiện tượng này thì phải có các con số tính toán, có các thiết bị hiện đại để thẩm định, chứ chỉ nói miệng thì không thể thuyết phục được người dân.

Sau hiện tượng rò rỉ nước bất thường ở đập thủy điện Sông Tranh 2 thì hai bộ trên và Tập đoàn EVN cần phải lên phương án, kịch bản để di dân. Nếu không lên phương án và kịch bản trước, lỡ có sự cố vỡ đập thì biết đường nào mà làm. Cần phải đầu tư kinh phí, nhân lực, phải có nhiều phương án để di dân khi sự cố xảy ra. Bởi nếu để sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ không thể lường hết được.

Ông NGUYỄN MINH TUẤN, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam

LÊ PHI ghi

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm