Dân đã sẵn sàng "nhường chỗ" cho dự án nhà máy điện hạt nhân

Chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Theo đó, nhà máy sẽ được khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Hiện dư luận cả nước đang rất quan tâm đến việc triển khai và những vấn đề xung quanh dự án này.

Nhóm PV đã có chuyến đi thực tế đến nơi mà người dân Ninh Thuận sẽ di dời để nhường chỗ cho dự án với mong muốn cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin về những trăn trở của người dân vùng dự án và công tác giải thích, tuyên truyền cho nhân dân nơi đây của cán bộ địa phương về một chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước.

Kiên trì giải thích, thuyết phục người dân

Lãnh đạo xã Phước Dinh cho biết, địa phương vốn là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Ninh Thuận, người dân bao đời nay đã gắn bó với nghề đi biển và nuôi trồng hải sản, trình độ dân trí thấp. Khi nghe tin sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa phương, người dân có phần hoang mang, lo lắng vì chưa hiểu rõ về dự án.

Ông Nguyễn Thành Du - trưởng thôn Vĩnh Trường chia sẻ: "Khi trước dân thôn Vĩnh Trường lo lắng lắm và họ bàn tán xôn xao về vấn đề này. Bởi người dân chưa hề hình dung được NMĐHN như thế nào... đến nỗi, “cứ thấy xe ô tô của đoàn công tác nào vào Uỷ ban xã là người dân đều chặn lại để... chất vấn”.

Nắm bắt tâm lý cũng như thực trạng thiếu thông tin về nhà máy điện hạt nhân của người dân, Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương giải thích, tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng về chủ trương của Đảng, nhà nước.

Dân đã sẵn sàng "nhường chỗ" cho dự án nhà máy điện hạt nhân ảnh 1

Ông Võ Xê Đăng (phải) đang trao đổi với phóng viên, phía sau lưng là nơi đặt tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Chinhphu.vn

Trước hết, xã dùng hệ thống loa truyền thanh để thông báo tới người dân những nội dung chính. Sau đó, Ban vận động đã tổ chức cho các bậc cao niên của thôn đi tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Được tận mắt chứng kiến các giáo sư,  tiến sĩ, kỹ sư ngày đêm bám máy làm việc, các bậc cao niên nhận thức được tầm quan trọng của điện hạt nhân đối với nền kinh tế nước nhà. Khi trở về, các cụ đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe cho con cháu trong dòng tộc và bà con trong thôn.

Việc thuyết phục bà con cũng được “chia nhỏ” ra để phù hợp với từng đối tượng: Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm vận động thanh niên, Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm tuyên truyền cho phụ nữ trong xã...

Người dân thôn Vĩnh Trường thường đi biển vào buổi tối, ban ngày thường nghỉ ngơi, nên việc tập hợp được đông đảo bà con để nói chuyện là rất khó. Vì thế, Ban vận động đã kiên trì đi từng nhà vào lúc 21 giờ đến  22 giờ hàng ngày hoặc tổ chức gặp gỡ với từng nhóm nhỏ.

Tổng cộng trong năm 2009, Ban Chuẩn bị đầu tư đã thực hiện được hơn 30 buổi gặp gỡ bà con trong xã, với hơn 4.000 lượt người tham dự.

Và tới ngày 27-11, lãnh đạo xã đã họp với dân lần cuối để thống nhất phương án di dời thôn và nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nhân dân thôn Vĩnh Trường, bà Nguyễn Thị Hồng Diễm (Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh) vui mừng cho biết.

Tính chuyện lập nghiệp cho bà con sau khi an cư

Cho đến thời điểm này, theo ông Võ Xê Đăng, Phó văn phòng đại diện tại Ninh Thuận của Ban chuẩn bị đầu tư, thì EVN đã thống nhất với UBND tỉnh Ninh Thuận về các phương án di dân tái định cư. Dự kiến, địa điểm mới mà người dân thôn Vĩnh Trường sẽ di dời đến cách nơi ở hiện tại của bà con khoảng 3km.

Ước tính tổng giá trị đền bù, hỗ trợ và tái định cư đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại địa điểm xã Phước Dinh là 244 tỷ đồng (khoảng 134 hộ dân); đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại địa điểm Vĩnh Hải là 456 tỷ đồng (khoảng 570 hộ dân).

Tuy vậy, có thể nhận thấy người dân ở đây cũng vẫn còn những trăn trở. Theo ông Bùi Xuân Nghiệp – Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Dinh, hiện nay trình độ dân trí của xã còn thấp, con em trong xã phần lớn mới chỉ được học hết lớp 3.

Ông Nghiệp cho rằng với thực tế này, việc bố trí người dân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân là rất khó khăn. “Xã rất mong lãnh đạo tỉnh và EVN có giải pháp tháo gỡ cho việc lập nghiệp của người dân sau khi đã an cư”, ông Nghiệp nói.

Dân đã sẵn sàng "nhường chỗ" cho dự án nhà máy điện hạt nhân ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Lậy trăn trở việc di dời nghĩa trang cũ - Ảnh: Chinhphu.vn

Còn những người già có uy tín trong thôn Vĩnh Trường như ông Nguyễn Văn Lậy (61 tuổi), ông Võ Văn Hưng (67 tuổi) lại băn khoăn với việc di dời nghĩa trang cũ và quy hoạch nghĩa trang mới của thôn.

Tuy nhiên, người dân cũng bày tỏ tin tưởng, với sự vào cuộc bằng tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành cộng với một quyết tâm cao và những nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì chắc chắn mọi công việc không phải là khó thực hiện để hiện thực hóa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia.

Theo nhóm PV (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm