Lập kế hoạch triển khai Công ước Chống tham nhũng

Ngày 18-9-2009, Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam mới đáp ứng về cơ bản các yêu cầu của công ước. 

Dự thảo tờ trình Kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ do TTCP soạn thảo nêu rõ kế hoạch thực hiện công ước phải bảo đảm lợi ích, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự xã hội Việt Nam. Đồng thời, góp phần khuyến khích đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng; tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam.

Đặc biệt, kế hoạch phải phù hợp với các quan điểm của Đảng và nhà nước Việt Nam về phòng chống tham nhũng. Theo đó, mục đích cơ bản của Kế hoạch là nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hoá các quy định của công ước, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các giải pháp về phòng chống tham nhũng. Nội dung thực thi công ước phải bảo đảm tính chủ động, kịp thời và có bước đi, lộ trình cụ thể.

Nội dung dự thảo kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng gồm 2 phần.

Đó là tuyên truyền, phổ biến nội dung công ước và nội luật hoá các quy định để đáp ứng yêu cầu của công ước. Dự thảo khẳng định, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện công ước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với việc tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020.

Cùng với đó là xây dựng đề án quốc gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về những nội dung cơ bản của công ước. Đề án này sẽ phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến và làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai công ước tại Việt Nam hiện nay chính là việc nội luật hóa các quy định. Pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với nội dung của công ước, nhưng còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ. Xuất phát từ yêu cầu trên, dự thảo kế hoạch xác định chi tiết các vấn đề cần phải hoàn thiện trong pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo xác định rõ, việc hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách, tăng cường tính độc lập cần thiết cho các cơ quan này. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính công, trong hoạt động tổ chức thực hiện chức năng và quá trình ra quyết định của của cơ quan nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân.

Hoàn thiện các cơ chế, quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát về thực hiện mua sắm công; quy định về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, trả lương, hưu trí công bằng; quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; quy định về cơ chế bảo đảm các tổ chức tài chính, tín dụng ngân hàng đáp ứng yêu cầu giám sát, kiểm tra; chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng của Việt Nam…

Đối với xử lý hành vi tham nhũng và thực thi pháp luật, dự thảo xác định việc nghiên cứu, bổ sung tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, bổ sung các hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư, bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng, hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức. Việc hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân là người đã cung cấp lời khai, cung cấp thông tin liên quan đến tố giác tham nhũng…

Tương tự, dự thảo cũng xác định rõ các nội dung cần phải nội luật hóa liên quan đến việc hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin. Đó là tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về tương trợ tư pháp, về phòng chống tham nhũng có liên quan, bổ sung quy định về dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự , dân sự, về chuyển giao người bị kết án, thi hành án, chuyển giao vụ án hình sự, hợp tác thực thi pháp luật và liên kết điều tra tham nhũng… Nghiên cứu đề xuất điều kiện khả năng về hợp tác điều tra; nghiên cứu áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt…

Để việc thực thi công ước đạt hiệu quả, dự thảo kế hoạch đã chia việc thực hiện ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ nay đến năm 2011, nội dung chủ yếu là nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật. Đồng thời tổ chức thực hiện các giải pháp, các quy định đã ban hành, mở rộng hợp tác quan hệ với các nước cùng tham gia ký kết công ước.

Giai đoạn thứ 2 từ năm 2011 - 2016 nhằm đánh giá việc thực hiện của giai đoạn 1 và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để lựa chọn từng bước áp dụng phù hợp ở Việt Nam. Giai đoạn 3 từ năm 2016 - 2020 sẽ là thời gian của việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để bổ sung các giải pháp mới.

Theo Khánh Linh (báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm