GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Quyền hiến định được áp dụng trực tiếp?

Trong trường hợp nào thì quyền con người (QCN) và quyền công dân (QCD) bị giới hạn, có phải quyền nào cũng bị giới hạn không? Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo khoa học “Góp ý các quy định liên quan đến QCN, QCD trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992” do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), tổ chức tại TP.HCM ngày 11-9.

Không ai được tùy tiện cắt xén

GS Trần Ngọc Đường, chuyên viên cao cấp của QH, thành viên ban biên tập Dự thảo sửa đổi HP 1992, cho hay: “Đây là lần đầu tiên giới hạn của QCN và QCD được quy định thành nguyên tắc trong HP. Nguyên tắc này nhằm khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế QCN, QCD”.

Quyền hiến định được áp dụng trực tiếp? ảnh 1

Các đại biểu cho rằng cần phải hiến định cụ thể quyền nào bị hạn chế và quyền nào không bị hạn chế. Ảnh: MC

Cụ thể, dự thảo HP quy định: “QCN, QCD chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”. Theo GS Đường, với nguyên tắc này, từ nay không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ trường hợp nói trên. Điều này phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc hiến định nguyên tắc chung như trên là chưa đầy đủ. Vì theo luật quốc tế có những quyền không bị giới hạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào và ngược lại có những quyền phải được giới hạn trong mọi thời điểm chứ không phải đợi đến khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp như các trường hợp trên.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, dẫn chứng: Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do hội họp luôn kèm theo điều kiện “hòa bình”; quyền tự do lập hội có thể bị hạn chế với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát; quyền tự do ngôn luận có thể bị giới hạn để phòng ngừa sự xâm hại danh dự, nhân phẩm, đời tư của người khác, bí mật quốc gia, đạo đức cộng đồng hay để ngăn ngừa những hành động kích động chiến tranh… Mặt khác, cũng có những quyền không được phép giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào như quyền sống; quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền không bị bắt làm nô lệ; quyền được suy đoán vô tội; quyền tự do tư tưởng…

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hiến định cụ thể quyền nào bị hạn chế và quyền nào không bị hạn chế. Về vấn đề này, GS Đường cho biết ban biên tập đã nghiên cứu và thảo luận nhiều. “Nếu chế định chi tiết từng quyền bị hạn chế thế nào và quyền nào không hạn chế thì quá tốt nhưng đúng là rất khó để thể hiện. Vì vậy chỉ hiến định nguyên tắc chung phù hợp với các Công ước quốc tế liên quan, trên cơ sở đó, luật sẽ cụ thể hóa từng quyền một để thể hiện sự giới hạn của từng quyền đó ra sao” - ông Đường cho hay.

Cần cắt đuôi “theo quy định của pháp luật”

Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, đó là việc xử lý đuôi “theo luật định” hay “theo quy định của pháp luật” sau các QCN, QCD được hiến định. GS Nguyễn Đăng Dung cho rằng cần phải tiếp tục điều chỉnh các cụm từ hiện còn “theo pháp luật” thành “theo luật định” nhằm giảm thiểu nguy cơ tùy tiện giới hạn và vi phạm các quyền hiến định. Khi HP đã hiến định QCN, QCD thì chỉ nên giao cho QH, cơ quan do nhân dân bầu ra, thống nhất ra luật để thực hiện. Còn để một cá nhân, cơ quan nào đó ra các văn bản quy phạm pháp luật, theo ý chí của riêng họ để thực thi là không ổn và rất dễ dẫn tới lạm quyền.

Giảng viên Lưu Đức Quang, ĐH Luật TP.HCM, đề nghị cần quy định rõ lộ trình thể chế hóa các QCN, QCD đã hiến định để tránh hiện tượng “treo quyền” trong HP, dẫn đến việc một số quyền không thực hiện trên thực tế được vì chưa được luật hóa. Hoặc cũng có thể bổ sung nguyên tắc quyền hiến định phải được áp dụng trực tiếp để khi quyền đó chưa được luật hóa thì vẫn có giá trị áp dụng trên thực tiễn.

Theo GS Đường, sở dĩ Dự thảo sửa đổi HP 1992 còn một số quyền vẫn ghi “theo quy định của pháp luật” là vì ở nước ta hiện nay có một số quyền chưa có luật mà chỉ có văn bản dưới luật điều chỉnh. Tuy nhiên, GS Đường cũng đồng ý là cần hướng tới phải ghi là “do luật định” để buộc Nhà nước phải sớm hoàn thiện pháp luật về QCN, QCD. GS Đường cũng cho hay sẽ thảo luận một cách thấu đáo về việc thể hiện lộ trình luật hóa các quyền hiến định cũng như việc bổ sung nguyên tắc để các quyền hiến định được áp dụng trực tiếp.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm