Soi kỹ dấu hiệu tham nhũng trước khi cất nhắc cán bộ

Đó là những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong báo cáo vừa được Chính phủ gửi đến QH. Theo đó, ngoài việc quy định cán bộ mua tài sản lớn phải thanh toán qua tài khoản, còn quy định cụ thể về điều động cán bộ, người có chức vụ khỏi vị trí công tác; trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý…

Phải giải trình về tài sản tăng bất thường

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm năm qua có đến 678 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị gần 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong đó có một số cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ vẫn còn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân, nhất là tại cấp cơ sở. Tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật Nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch trong PCTN vẫn còn diễn ra.

Do đó, Chính phủ cho biết thời gian tới sẽ khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN. Trong đó, chú trọng xây dựng quy định về trách nhiệm giải trình đối với tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản; cũng như nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý về tài sản tăng thêm. Đồng thời, bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Ngoài ra, xây dựng quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn.

Soi kỹ dấu hiệu tham nhũng trước khi cất nhắc cán bộ ảnh 1

Phóng viên báo, đài đang theo dõi, đưa tin một vụ án tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Không để người sai phạm lại lên chức

Đáng chú ý, Chính phủ cho rằng cần phải quy định cụ thể việc điều động cán bộ, người có chức vụ khỏi vị trí công tác để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng quy định vấn đề này là hết sức cần thiết, tránh tình trạng người có sai phạm nhưng vẫn “leo cao” hoặc “hạ cánh an toàn”. Điển hình như việc bổ nhiệm chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng sang làm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà trong phiên thảo luận ngày 24-5 về tình hình kinh tế-xã hội và đề án tái cơ cấu kinh tế, nhiều đại biểu đã cho rằng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cần phải giải trình trước QH về vấn đề này. Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng cơ quan quản lý không thể nói là không biết những sai phạm của Vinalines trước khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.

Trao quyền phải trao cả trách nhiệm

Ngày 25-5, bên lề QH, trao đổi với PV, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng tham nhũng đang là bức xúc chung của toàn xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này không phải là do thiếu các quy định của pháp luật mà cái chính là lỗi do ở khâu thực hiện mà khâu thực hiện chính là ở đội ngũ cán bộ. Do đó, vấn đề là phải xem xét lại ở khâu tuyển dụng, lựa chọn, đề bạt, quản lý cán bộ.

“Các vấn đề xảy ra Vinashin, Vinalines làm ăn thua lỗ, vi phạm, cái chính cũng là con người. Do đó, ta phải rà soát lại những đội ngũ nhiều quyền cũng như nhiều tiền” - bà An nói và đề nghị nên thay đổi cách bố trí lãnh đạo bằng cách mỗi vị trí phải đưa ra 2-3 ứng viên. Đồng thời, bắt buộc các ứng viên đó phải công khai tiêu chí, hành động và các cam kết của mình. Ngoài ra, các ứng viên cũng công khai tài sản của bản thân và của cả người thân và những người có liên quan.

Đặc biệt, bà An kiến nghị bên cạnh việc trao quyền cho những người có chức năng bổ nhiệm cán bộ thì kèm theo đó phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm của họ khi người được bổ nhiệm đó có sai phạm. “Có quy định như thế thì những người đứng đầu mới không dám lựa chọn những cán bộ có khuyết điểm để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo” - bà An nói.

Lương thế thì làm sao chuyên tâm nghiên cứu

Hàm lượng chất xám trong các điều luật hiện nay ngày càng ít đi, bởi lương vài triệu đồng chỉ đủ trả cho ôsin nên cán bộ chuyên viên không dành hết tâm huyết, thời gian vào nghiên cứu. Ngay cả chúng tôi cũng phải đi giảng dạy, viết bài… thế thì làm sao bảo người ta tâm huyết cho hoạch định chính sách được. Chúng ta kêu gọi tinh thần nhưng trước tiên người ta phải bảo đảm đủ cuộc sống chứ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN (phát biểu trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 24-5)

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm