Tiến sĩ Trần Du Lịch: Làm gì để thoát nguy cơ “trì - lạm”?

Sáng qua (27-5), Quốc hội thảo luận phiên cuối cùng về các vấn đề kinh tế-xã hội. Khủng hoảng kinh tế, giảm phát, lạm phát, bội chi ngân sách, hiệu quả gói kích cầu... là những nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, nêu ý kiến trong hai phiên họp vừa qua. Tuy nhiên, ngoại trừ chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, ít đại biểu chỉ ra những yêu cầu cụ thể cho Chính phủ trong giai đoạn sắp tới - hậu khủng hoảng. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Trần Du Lịch về kiến nghị của ông.

Nguy cơ trì trệ - lạm phát

. Trên diễn đàn Quốc hội, ông là người đầu tiên cảnh báo nguy cơ “trì - lạm” thời hậu khủng hoảng. Nguy cơ ấy biểu hiện thế nào?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Làm gì để thoát nguy cơ “trì - lạm”? ảnh 1+ Từ quý II-2007 đến quý III-2008, ta lâm vào lạm phát nên cuối quý I-2008, Chính phủ thắt chặt tiền tệ, giảm công chi. Nhưng từ quý IV-2008, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, ta lại xoay nhanh sang tình trạng thiểu phát. Khi ấy, Chính phủ ban hành gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, nới lỏng tiền tệ, tăng công chi... “Toa thuốc” đó đúng nhưng kết hợp với các yếu kém nội tại của nền kinh tế có thể dẫn tới nguy cơ tái lạm phát. Tái lạm phát mà tăng trưởng lại chỉ đạt 3%-4% thì là “trì - lạm”, rất nguy hiểm.

Xử lý lạm phát vừa qua mới chỉ chữa về hiện tượng, về tiền tệ. Cho nên, tôi đề nghị Chính phủ phải sớm có giải pháp trung hạn tái cấu trúc nền kinh tế và Quốc hội phải ra nghị quyết ra thời hạn đến kỳ họp tháng 11 tới, Chính phủ phải trình được giải pháp trọn gói này để Quốc hội thông qua.

Mở website về gói kích cầu

. Phát biểu trước Quốc hội, ông có đề cập tới nguy cơ từ gói kích cầu của Chính phủ, từ tăng bội chi ngân sách. Cụ thể thế nào, thưa ông?

+ Việt Nam là nước rất khó kiểm soát dòng tiền. Vốn ngân sách tăng mạnh mà không hấp thụ được hoặc hấp thụ vội vàng, không quan tâm hiệu quả thì sẽ đẩy hệ số đầu tư ICOR lên cao nữa. Còn dòng vốn tín dụng mà không kiểm soát chặt sẽ chuyển từ nhiệm vụ đầu tư sang đầu cơ. Chứng khoán và bất động sản ấm lên thì tốt, chứ nóng lên là coi chừng. Hiện tại, thị trường bất động sản tạm gọi là ấm, còn chứng khoán có lẽ bắt đầu nóng. Coi chừng!

Tăng bội chi ngân sách là giải pháp cần thiết. Nhưng khoản bội chi đó phải đầu tư đúng mục tiêu vào cơ sở hạ tầng xã hội, nông thôn; phải tính toán hiệu quả chứ không thể cứ dự án nào tiêu được tiền thì ném vào và có cơ chế giám sát chặt chẽ, không thể kéo dài tình trạng vốn không sử dụng hết lại chuyển nguồn sang năm sau, làm rối loạn hệ thống tài chính. Quan điểm của tôi, Quốc hội nên đồng ý tăng bội chi lên 8% GDP nhưng kèm theo điều kiện và giám sát chặt chẽ.

. Còn minh bạch gói kích cầu?

+ Tôi đề nghị mở website về toàn bộ gói giải pháp này, bao gồm cả điều kiện, tiêu chuẩn để doanh nghiệp, người dân thụ hưởng các giải pháp kích cầu; thống kê kết quả triển khai, tên từng doanh nghiệp, dự án hưởng lợi; kèm theo là diễn đàn tranh luận về các chính sách của Chính phủ cũng như kết quả thực hiện... Các nước phát triển đều làm như vậy. Ngoài ra, tự các bộ ngành, địa phương phải giám sát hiệu quả từng dự án. Quốc hội cũng nên chọn một vài dự án điểm, tiến hành giám sát tối cao để có đánh giá độc lập.

. Xin cảm ơn ông.

Tăng trưởng quá thấp so với tiềm năng

Việt Nam nằm trong 12 nước tăng trưởng dương trong tổng số hơn 170 quốc gia trên thế giới. Có thể mừng nhưng xin lưu ý, mức tăng trưởng đó là quá thấp so với tiềm năng.

Tiềm năng ở đây là hệ số đầu tư ICOR đã lên tới 6,6; là hệ số sử dụng lao động rất cao; là tiêu tốn năng lượng, tài nguyên rất lớn. Đầu vào lớn như vậy thì kết quả tăng trưởng phải là 7%-8% trở lên, chứ không phải 3,1% như quý I vừa rồi. Cho nên, từ đầu năm đến nay có phục hồi một chút nhưng vẫn đang trong giai đoạn trì trệ.

TS Trần Du Lịch

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm