Có đơn thư Chủ tịch nước đã trả lời nhưng người dân vẫn khiếu nại

Sáng 3-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021.
Việc giám sát đối với bốn cơ quan gồm: Công an, Tòa án, VKS và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM

Tại buổi giám sát, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đặc biệt lưu ý đến công tác phối hợp của các cơ quan trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân.

db-truong-trong-nghia-khieu-nai-to-cao

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Nghĩa, khi thụ lý một vụ việc, các ngành chỉ cần gửi email cho nhau về quyết định thụ lý, sau đó các ngành đều có hồ sơ giống nhau để theo dõi việc giải quyết.

Ông dẫn chứng đối với một khối tài sản tiền tỉ khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đóng băng trong vài năm mà một vụ án dân sự có khi giải quyết đến 5 năm chưa xong, gây thiệt hại rất lớn.

“Toà có nhiều lý do không tháo gỡ nhưng VKSND lại không có hồ sơ để kiểm sát xem như thế nào” – ĐB Nghĩa nói và cho rằng cần áp dụng chính quyền số để giải quyết các trường hợp tương tự.

Cũng theo ĐB Nghĩa, còn có tình trạng dùng một vụ tố tụng dân sự khác để tránh né việc thi hành án trong vòng vài năm. “Có những vụ việc kéo dài nhiều năm, trải qua sơ thẩm, phúc thẩm, đến khi thi hành án thì họ tự dưng làm đơn khiếu kiện hành chính rằng đó là sổ đỏ giả khiến cho việc thi hành án lại đình đốn thêm mấy năm nữa” – ĐB Nghĩa kể và cho rằng những việc thế này nếu có phối hợp tốt với nhau thì sẽ thấy rõ đây là sự tránh né, đồng thời khỏi trùng lắp.

Đáng chú ý, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng dẫn chứng có trường hợp qua 5 nhiệm kỳ của QH với 25 năm mà có người vẫn tiếp tục khiếu nại. Ông khẳng định nếu Luật không giải quyết để các vụ việc có điểm dừng thì sẽ gây tốn nhiều công sức của bộ máy nhà nước.

“Có vụ đã giải quyết đến mức cao nhất, đến Chủ tịch nước, Chủ tịch QH đã trả lời, luật pháp nước ta chỉ giải quyết tới đây là hết nhưng người dân lại muốn tôi chuyển đơn lần nữa, nếu tôi từ chối thì có sai luật không, hay cứ để sang nhiệm kỳ mới lại chuyển đơn lần nữa” – ĐB Nghĩa kể.

ĐB Trần Kim Yến, Bí thư quận uỷ quận 1, cho biết cán bộ tiếp nhận đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh có tâm lý khi thấy đơn đó đã giải quyết nhiều lần thì hay bỏ qua; trừ trường hợp đã được Chủ tịch nước, Chủ tịch QH trả lời.

Theo ĐB Yến, khi đọc kĩ mới phát hiện có trường hợp người dân do trình độ hiểu biết chưa đủ nên viết đơn không rõ ràng, nếu người giải quyết tập trung phân tích, hướng dẫn kĩ thì có thể người dân sẽ không khiếu nại nữa.

ĐB Yến cho rằng việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo để xoa dịu những bức xúc của người dân.

ba-phan-thi-binh-thuan-khieu-nai-to-cao

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP, nêu ý kiến. Ảnh: LÊ THOA

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP, thông tin vừa qua Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP cũng nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân liên quan đến công tác xét xử của toà án, viện kiểm sát, thi hành án…. Từ đó cho thấy khi người dân gửi đơn cho cơ quan Đảng là do việc giải quyết của các cơ quan nêu trên chưa đảm bảo thời hạn và kết quả giải quyết, khiến người dân bức xúc.

Đặc biệt, đối với các vụ khiếu nại, tố cáo được cho là đúng thì bà Thuận băn khoăn các cơ quan xử lý như thế nào. “Người dân khiếu nại, tố cáo đúng tức là mình làm sai, nếu mình làm sai thì có vi phạm không, xử lý như thế nào?” – bà Thuận đặt vấn đề.

Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhìn nhận khi người dân ‘hết đường’ mới cầu cứu đến cơ quan công an, toà án, viện kiểm sát… vì các lĩnh vực của các cơ quan phụ trách liên quan đến nhân phẩm, tính mạng, tài sản của công dân. Trong đó có những vụ việc các cơ quan phải cố gắng đến cùng để đảm bảo quyền lợi của người dân.

db-van-thi-bach-tuyet-khieu-nai-to-cao

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, kết luận. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Tuyết đề nghị cán cán bộ thụ lý làm hết trách nhiệm để giúp đỡ cho người dân. “Chúng tôi không nói tất cả đơn thư đều đúng như rõ ràng trong quá trình thực thi công vụ có cái sai mà cái sai đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân” – ĐB Tuyết nói và mong các cơ quan tiếp tục quan tâm, bố trí cán bộ thực hiện tốt việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thống kê số đơn thư từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021

- TAND TP.HCM tiếp nhận 18.700 đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan đến bản án, quyết định của toà án, quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND quận, huyện… Đồng thời nhận 132 đơn tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng, tư cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức TAND hai cấp.

- VKSND TP hai cấp tiếp nhận và xử lý 33.000 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Trong đó có hơn 30.000 đơn trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, còn lại là đơn hành chính.

- Công an TP.HCM: tiếp nhận 935 đơn tố cáo theo thẩm quyền, kết quả: 43 đơn tố cáo đúng, 95 đơn tố cáo có phần đúng, 797 đơn tố cáo sai.

- Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận 6.326 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; trong đó có 111 đơn trùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm