Điều chỉnh giờ làm, giờ học: Đừng nóng vội

“Việc điều chỉnh giờ làm việc và học tập đối với cán bộ, viên chức và học sinh cần phải tính toán thật kỹ, nếu không thì cái được chưa thấy ngay mà cái mất đã rất nhiều” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nêu ý kiến về đề xuất bố trí lệch giờ học, giờ làm của bộ trưởng Bộ GTVT.

. Quan điểm của ông về đề xuất thay đổi giờ làm việc và giờ học để giảm ùn tắc giao thông?

+ Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đề xuất thay đổi giờ làm việc đã được đưa ra từ năm 2007 nhưng không thực hiện được vì rất nhiều lý do. Theo tôi, cần cân nhắc thật kỹ việc thay đổi này. Đặc biệt, phải tính toán xem nó góp phần giảm ùn tắc đến mức độ nào, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của các cơ quan nhà nước, đến sinh hoạt của các gia đình ra sao… Nếu vội vã ra một quyết định làm xáo trộn nếp sinh hoạt của các gia đình, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung thì cái được chưa thấy đâu nhưng cái mất đã rất nhiều.

. Vậy nên thực hiện đề xuất này như thế nào, thưa ông?

+ Tôi nghĩ Bộ GTVT nên làm việc với Bộ GD&ĐT, trước tiên thí điểm ở các trường ĐH, CĐ xem hiệu quả đến đâu rồi tiếp tục nghiên cứu mở rộng. Việc thay đổi giờ học của các trường ĐH, CĐ sẽ ít gây xáo trộn vì đa số sinh viên không cần người thân đưa đón.

Điều chỉnh giờ làm, giờ học: Đừng nóng vội ảnh 1

Theo ông Hùng, phải tính toán thật kỹ xem biện pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học góp phần giảm ùn tắc đến mức độ nào, có các hệ lụy khác hay không trước khi quyết định. Trong ảnh: Một cảnh kẹt xe thường thấy ở Hà Nội. Ảnh: BẢO LÂM

Về thời gian điều chỉnh, trước hết cần điều tra xem thời điểm nào Hà Nội hay bị ùn tắc giao thông. Tôi đi làm bằng xe máy và thấy buổi sáng từ 7 giờ 15 đến 8 giờ 45 đường hay tắc. Buổi chiều từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 cũng tương tự. Như vậy, nên bố trí giờ vào học và ra về của sinh viên lệch khỏi các khung giờ này. Còn lệch như thế nào, lệch bao lâu thì cần có một nghiên cứu cụ thể.

. Ông có ủng hộ các đề xuất nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông gần đây của bộ trưởng Bộ GTVT?

+ Tôi ủng hộ ý kiến của bộ trưởng về phát triển vận tải hành khách công cộng nhưng lại không đồng tình việc ra mệnh lệnh giảm xe cá nhân. Việc xác định xe nào là xe cá nhân không dễ dàng, nếu làm không cẩn thận sẽ rối, trong khi chúng ta còn nhiều biện pháp khác.

. Ông có giải pháp nào để kéo giảm ùn tắc giao thông?

+ Hiện Hà Nội có 27 triệu xe máy và thời gian tới cần giảm tăng trưởng loại xe này. Nhưng chúng ta không hạn chế xe máy bằng mệnh lệnh hành chính mà cần dùng biện pháp kinh tế, như tăng thật cao các loại phí liên quan. Tiếp đó, cần tổ chức tốt giao thông trong đô thị, bắt đầu từ việc trả lại lòng đường cho các phương tiện lưu thông, trả vỉa hè cho người đi bộ. Thực tế cho thấy đường ở Hà Nội vốn đã rất chật hẹp nhưng một số tuyến phố vẫn cho giữ ô tô trên mặt đường. Khi đã làm được điều này, bắt đầu khuyến khích người dân có một thói quen văn minh là nên đi bộ nếu cự ly di chuyển chỉ khoảng 2 km.

Một điều quan trọng là cần tính toán lại bài toán phát triển taxi. Hà Nội hiện có gần 3.000 taxi, số xe này hoạt động không hết công suất nhưng thường xuyên chạy trên đường gây lãng phí và ùn tắc. Chúng ta cần điều tra xem nhu cầu sử dụng taxi thực tế như thế nào, TP có cần nhiều xe như thế không, từ đó có giải pháp phù hợp.

. Xin cảm ơn ông.

TP.HCM đang từng bước áp dụng

Ngay trong năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đặt mục tiêu kéo giảm ùn tắc trước cổng trường trong suốt năm học. Cụ thể, ở các cụm trường gần nhau, Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường thống nhất bố trí lệch giờ vào học, giờ tan trường. Tại từng trường thì chủ động mở nhiều cổng, bố trí giờ ra cổng luân phiên cho từng khối lớp.

Ông Lê Xuân Huân, quận Thủ Đức cho biết việc Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức cho các khối lớp tan học cách nhau khoảng 30 phút đã phát huy hiệu quả. “Vào ngày thứ Sáu, nhà trường “xả” cổng cùng lúc vào 16 giờ và cảnh tượng lộn xộn trước cổng trường hoàn toàn khác biệt so với các ngày trước đó” - ông Huân nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh lệch ca, lệch giờ là một biện pháp cấp bách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Điều này đã được UBND TP.HCM yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT, Ban Quản lý các KCX, KCN TP… thực hiện từ năm 2007. Mới đây, trong quyết định thực hiện nghị quyết Đảng bộ TP.HCM về chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020, TP tiếp tục yêu cầu đánh giá việc thực hiện kế hoạch lệch giờ làm việc tại các KCX, KCN và một số trường học tại các quận trung tâm. “Hiện Sở LĐ-TB&XH được giao chủ trì đánh giá lại hiệu quả của biện pháp này” - ông Tường nói.

MINH PHONG

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm