Giám sát chỉ qua báo cáo, sao được?

Chiều qua 24-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã cho ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Trong đó vấn đề hiệu lực giám sát đã được các ĐB đem ra mổ xẻ, thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Vấn đề là giám sát xong đem lại cái gì, hiệu quả gì...”. Ảnh: TTXVN 

Gợi ý các ĐB thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Vấn đề là giám sát xong đem lại cái gì, hiệu quả gì thì chưa thấy nói đến. Đây mới là trọng tâm mấu chốt của luật này”.

Chủ tịch QH cho rằng giám sát xong có hai kết quả. Một là ra kiến nghị và khi nhận được thì chủ thể bị giám sát phải tiếp thu, trả lời. Hai là kết luận giám sát và giá trị pháp lý của kết luận ấy đi kèm. Theo đó, đối tượng được giám sát phải thi hành. “Dù là một ĐB đi giám sát một chủ thể nào đó thì ngoài kiến nghị này kia nhưng đồng thời phải kết luận việc này thế nào” - Chủ tịch QH nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng mặc dù hoạt động giám sát của QH và HĐND đã có nhiều cố gắng nhưng dư luận vẫn đánh giá là còn hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì vậy, dự luật cần phải đưa ra phương thức giám sát hiệu quả hơn để khắc phục được tình trạng này. ĐB Mạnh Hùng cho rằng việc giám sát mà xem xét qua báo cáo thì không giải quyết được, mà phải kiểm tra thực tế. “Tới đây chúng ta có chương trình giám sát về rừng. Nghe báo cáo thì số liệu đẹp lắm, còn nhiều rừng lắm nhưng vào rừng mới thấy rừng rỗng hết rồi” - ĐB Mạnh Hùng nói. Theo ĐB Mạnh Hùng, nếu công tác giám sát chỉ thực hiện bằng việc xem báo cáo của đối tượng bị giám sát thì những kết luận đưa ra cũng thiếu thực tế, thiếu chính xác, thậm chí còn hợp thức hóa cho sai phạm.

Về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu ý kiến: “Lâu nay cho dù giám sát chuyên đề, theo khiếu nại, tố cáo kiến nghị của cử tri thì cũng hầu như nghe báo cáo. Mà báo cáo thì hay lắm. Bản thân họ bị giám sát thì không dại gì lôi hạn chế, yếu kém ra. Do đó cần quy định phương thức giám sát cụ thể”. Theo ĐB Đương, mọi giám sát phải ban hành kết luận, trong đó nêu rõ cái đạt được, chưa được, đúng, sai và cho chủ thể bị giám sát cung cấp tài liệu giải trình. Sau đó yêu cầu thực hiện ngay nếu đó là vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đoàn gi,ám sát có thể ra nghị quyết chấn chỉnh vi phạm và đặt ra yêu cầu, thời gian giải quyết vụ việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm