Khó dẹp xe dù, bến cóc!

“Tình trạng xe dù, bến cóc đã tồn tại dai dẳng suốt hàng chục năm qua và ngày càng phát triển, biến tướng hết sức tinh vi, phức tạp”. Đầu tháng 6, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT, báo cáo với UBND TP.HCM.

Từ nhỏ lẻ đến có tổ chức

Theo Sở GTVT, trước năm 2000 xe dù là hoạt động nhỏ lẻ của những đơn vị vận tải không được vào chạy xe từ các bến quy định. Các loại xe này chủ yếu bám quanh bến xe và những tuyến đường cửa ngõ TP để hớt, vét khách. Vì thế mới sinh ra khái niệm xe dù (xe không phép), bến cóc (bến không cố định, không theo quy định).

Đến năm 2002, cơ chế độc quyền khai thác tuyến trong các bến xe được xóa bỏ. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn không vào bến chạy xe mà tiếp tục chạy dù để né các loại thuế, phí. Từ năm 2004, các bến xe từ hoạt động công ích là chính chuyển hẳn sang kinh doanh dịch vụ và các loại phí, lệ phí liên tục được đẩy lên cao. Để giảm gánh nặng tài chính, nhiều doanh nghiệp vận tải vừa chạy trong bến vừa gia nhập vào làn sóng xe dù, bến cóc.

Từ năm 2005, hoạt động của xe dù, bến cóc ngày càng trở nên nhộn nhịp, cuốn hút cả những doanh nghiệp có thương hiệu “nhập cuộc”. Cách thức tổ chức xe dù ngày càng bài bản, quy mô cũng lớn hơn nhiều. Các hãng dần biến trụ sở, văn phòng chi nhánh của mình thành bến xe hoạt động công khai ngay trước mặt các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Nổi tiếng nhất là bến xe dù ở khu vực đường Lê Hồng Phong, đường Trần Phú thuộc quận 5 và quận 10. Bến xe dù này có phân công số tài chuyến, biểu đồ giờ chạy xe y như các bến hợp pháp.

Khó dẹp xe dù, bến cóc! ảnh 1

Một xe dù đang đón, trả khách công khai trên đường Ba Tháng Hai. Ảnh: L.Đức

Lan tỏa và tinh vi

Từ năm 2010 đến nay, nạn xe dù, bến cóc tiếp tục luồn sâu vào nội đô TP. Lượng khách đi từ các bến cóc ngày càng đông nên nhiều doanh nghiệp có thương hiệu bỏ hẳn bến chính để trở thành những “đại gia” trong làng xe dù, bến cóc. “Lãnh địa” của xe dù cũng mở rộng từ khu vực đường Lê Hồng Phong, Trần Phú sang Đề Thám, Phạm Ngũ Lão…

Theo thống kê của Thanh tra GTVT, hiện có hơn 100 doanh nghiệp thường xuyên đón, trả khách trái phép tại 120 điểm trên toàn TP. Hoạt động xe dù diễn ra công khai dưới các danh nghĩa dịch vụ du lịch, du lịch lữ hành, open tour hoặc vận chuyển khách theo hợp đồng. Những tuyến đường cho phép đậu xe có thu phí hoặc các điểm, bãi giữ ô tô, xe máy cũng bị các doanh nghiệp biến thành bến lên xuống, khách đi các tuyến cố định. Điển hình như hãng Thành Bưởi sử dụng khu đất trống của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn cũ trên đường Lê Hồng Phong để làm bãi giữ xe nhưng thực chất là bến xe khách đi tuyến cố định Sài Gòn - Đà Lạt…

Các hãng xe dù đều không bán vé cho khách vì dễ bị bắt lỗi chạy tuyến cố định. Thay vào đó, khách đến văn phòng giao dịch chỉ cần nói tên, số điện thoại hoặc đặt chỗ qua điện thoại, Internet. Đến giờ, khách ung dung ra trụ sở chi nhánh, văn phòng của hãng để lên xe rồi đi.

“Khi đó, các hãng đã có đủ thông tin của hành khách (tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân) để lập ra các bản hợp đồng hoặc danh sách khách đi tour… nên thanh tra GTVT không thể xử phạt được. Với xe không có danh sách, hợp đồng thì thanh tra GTVT chỉ có thể “bắt” khi nó dừng, đỗ nơi có biển cấm” - ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, nói.

Phải sửa luật

Sở GTVT nhận định sở dĩ nạn xe dù, bến cóc vẫn “sống khỏe” vì Luật Du lịch có quá nhiều kẽ hở. Cụ thể, theo luật này tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch gắn với các tuyến giao thông đường bộ… Với định nghĩa trên, các điểm dừng xe đón, trả khách nằm trên đường phố hoặc gần các điểm du lịch nghiễm nhiên trở thành cơ sở (hạ tầng giao thông) để phục vụ du lịch.

“Khi đó, dưới danh nghĩa open tour, các hãng chuyên chạy xe theo tuyến cố định có thể sử dụng các văn phòng, chi nhánh nằm ở mặt tiền đường để làm điểm đón, trả khách du lịch (thực chất là khách đi các tuyến cố định) mà lực lượng chức năng không thể xử phạt được” - một thanh tra giao thông dẫn chứng.

Trong tháng 4, Sở GTVT đề nghị UBND TP cần sớm có quy định xử phạt các doanh nghiệp chạy xe theo hợp đồng, du lịch có hành vi dừng xe đón, trả khách tại cửa văn phòng, chi nhánh. Các doanh nghiệp không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách dưới mọi hình thức và sẽ bị xử phạt khi đón, trả khách trong khuôn viên các bãi đỗ, bãi để xe. Nhưng theo nhiều chuyên gia pháp lý, đề nghị trên khó khả thi vì nó vượt lên trên Luật Du lịch hiện hành. “Du lịch là ngành công nghiệp không khói nhưng hoạt động du lịch có phần làm ảnh hưởng tới trật tự đô thị. Điều này sẽ còn tiếp diễn nếu không sửa luật” - ông Lê Hồng Việt nói.

Quyết tâm nhưng dẹp không nổi

Ngày 23-2-2003, UBND TP đã ban hành Chỉ thị 18 nhằm dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến cóc. Chỉ thị 18 yêu cầu Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) đình chỉ kinh doanh vận tải với các doanh nghiệp tái phạm đến lần thứ ba và đình chỉ bán vé sáu tháng với doanh nghiệp tổ chức đưa đón khách tại nơi bán vé. Các quận, huyện phải kiên quyết xử phạt các trường hợp lập bến, điểm đưa đón khách trái phép; chấm dứt ngay tình trạng xe dù ở từng phường, xã, thị trấn.

Hơn 10 năm sau Chỉ thị 18, nạn xe dù, bến cóc vẫn không được dẹp bỏ mà còn có chiều hướng phát triển mạnh hơn.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm