Làm luật theo kiểu chạy tiếp sức

Chiều nay (16-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Dự kiến, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ làm việc trong 22,5 ngày, từ ngày 20-10 đến ngày 18-11. Trong đó, xem xét thông qua bốn dự án luật, một dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 14 dự án luật. Thời gian để thực hiện công tác xây dựng pháp luật là 13,75 ngày.

Nhiều ý kiến cho rằng thời gian làm luật như vậy quá ít, có dự luật chỉ có nửa ngày để thảo luận. Ngoài ra, việc các cơ quan của Chính phủ chậm trình những dự án luật cũng đã hạn chế rất nhiều cho các đại biểu trong việc nghiên cứu, thẩm tra các dự thảo luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thời gian bắt đầu chương trình kỳ họp thứ hai chỉ còn hai tháng cho công tác chuẩn bị, dự kiến sẽ thông qua bốn dự án luật, trong đó có dự án Luật Hình sử sửa đổi. Thế nhưng cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được tiếp cận sự điều chỉnh này.

Việc lấy ý kiến cho 14 dự án luật, UBTVQH mới chỉ cho ý kiến vào hai dự án luật là Luật Cảnh vệ và Luật Công an xã, còn nhiều dự án luật mới khác, với những ý kiến trái chiều.

“Hai tháng là thời gian ngắn lắm, cứ làm dồn dập thì chất lượng không cao. Tôi đề xuất, biết là còn ít thời gian, thì hội đồng dân tộc phải báo cáo theo nghị quyết của Quốc hội và phải đảm bảo gửi trước cho thường vụ Quốc hội chứ đừng để tối nay gửi, sáng mai nghiên cứu, luật thì đâu có nghiên cứu được như thế” - ông Giàu nói.

Làm luật theo kiểu chạy tiếp sức ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng để các dự án luật đảm bảo thì chất lượng dự thảo luật và thời gian là hai yếu tố quan trọng, vì vậy cần phải cương quyết trả lại những dự thảo luật không đảm bảo chất lượng.

“Sự cố Bộ luật Hình sự có nguyên nhân từ chất lượng dự thảo trình giai đoạn đầu chưa đảm bảo nhưng ta nể nang, thời gian chưa đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận” - bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, việc phân công cán bộ của cơ quan bộ ngành tham gia cũng còn vấn đề, nhiều khi lãnh đạo có tham gia ở mức độ còn lại “khoán trắng” cho chuyên viên, rồi sau đó “chạy tiếp sức” khi lúc đầu đồng chí A dự, rồi đến đồng chí B, đồng chí C, có người không thông thạo lĩnh vực hoặc tham gia “bữa đực bữa cái”. Do đó cần làm chặt để đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ủy ban liên quan cần phải khẩn trương thực hiện việc rà soát, đôn đốc các cơ quan soạn thảo luật của Chính phủ thực hiện nghiêm.  

“Chúng ta sẽ công khai việc nợ văn bản của các bộ, chính phủ cũng như là việc giữ văn bản chưa đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định, chúng ta phải gửi cho đại biểu Quốc hội trước 20 ngày nhưng trên thực tế không làm đúng. Tất nhiên cũng có cái đúng nhưng tình trạng nợ rất nhiều” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm