Lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng bức xúc vì luật đá luật

Chính phủ, hôm qua (5-8), đã dành trọn một ngày họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Trong chín nội dung được đưa ra bàn thảo thì riêng chuyện sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã chiếm mất nửa buổi sáng, phản ánh nỗi bức xúc của chính các thành viên Chính phủ về chất lượng làm luật.

Thiếu nhạc trưởng

Khơi gợi thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại chuyện Bộ luật Hình sự 2015 vừa ban hành đã phải tạm dừng thi hành để sửa đổi. Sự cố lập pháp này phản ánh quy trình làm luật, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, cả ở Chính phủ, cả bên Quốc hội (QH) có gì đó chưa ổn, cần phân tích, mổ xẻ kỹ.

Tiếp lời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc chuyện vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, vốn đang vô hiệu hóa rất nhiều quy hoạch chuyên ngành vốn là công cụ quản lý, điều hành khiến cho nhiều dự án phát triển kinh tế bị đình trệ.

“Thiếu nhạc trưởng trong xây dựng pháp luật”, “mạnh ai nấy làm, không đồng bộ”, “chạy đua xây dựng pháp luật để rồi luật này phủ nhận luật kia”… là nhận xét của ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng phụ trách mảng kinh tế ngành của Chính phủ.

Bình luận cụ thể hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thẳng vào vướng mắc trong ban hành các thông tư điều hành giá, là mảng mà ông phụ trách. “Điều chỉnh giá dịch vụ công phải chọn mãi mới được thời điểm thích hợp. Vậy mà thông tư ban hành chẳng có hiệu lực ngay, lại phải đợi 45 ngày theo quy định. Chuyện này, y tế, giáo dục… thấm đòn lắm” - Phó Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Tân Sơn Nhất đình trệ cũng do luật

Tổng quát là vậy, đi vào lĩnh vực quản lý của từng bộ, vấn đề chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn pháp luật cũng xuất hiện khá nhiều. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đang bị chậm tiến độ bởi Luật Đầu tư ban hành sau này có nhiều điểm vênh với Luật Hàng không ban hành trước. “Luật chuyên ngành đã dự liệu hết, phù hợp với việc triển khai các dự án đặc thù của hàng không. Vậy nhưng khi Bộ tiến hành thì lại vướng Luật Đầu tư và phải chuyển cho TP.HCM làm, trong khi địa phương gặp khó với lĩnh vực này” - ông Thể nói.

Tương tự, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng Luật Đầu tư xung đột với Luật Dầu khí. “Dầu khí là lĩnh vực đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhiều vấn đề theo Luật Dầu khí thì phải Thủ tướng mới quyết được. Nhưng chiếu theo Luật Đầu tư thì lại phải giao UBND tỉnh. Chậm trễ, khó khăn nhiều khi ở đó” - Bộ trưởng nói.

Đề nghị trở lại quy trình 2008

Là cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật, cũng là nơi tham mưu, đề xuất quy trình lập pháp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long mang tới dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Rất thẳng thắn, ông Long cho rằng chính các cơ quan tham mưu của Chính phủ cũng chưa thực sự tuân thủ luật này. Ví dụ cụ thể, Văn phòng Chính phủ chỉ có chức năng tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ góp ý cho dự thảo và kiểm tra về tuân thủ quy trình, thủ tục lập quy. Luật quy định rõ, Thủ tướng cũng kết luận vậy nhưng trong các văn bản báo cáo của cơ quan đầu não, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Chính phủ lại có cả nội dung “thẩm tra”.

Về nguyên nhân dẫn tới luật ban hành ra chất lượng kém, ông Long thừa nhận: “Chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, trong đó có những vấn đề mà Bộ Tư pháp không phát hiện ra”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “có những vấn đề Bộ Tư pháp phát hiện nhưng lại không được tiếp thu”.

Để khắc phục bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị sửa một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó điểm mấu chốt là quy trình soạn thảo có hai phương án.

Phương án ưu tiên là quay lại cách làm trước đây, để cơ quan chủ trì soạn thảo theo đuổi từ đầu đến cuối cho tới khi luật được QH ban hành. Còn phương án 2 là giữ như hiện tại, tức là cơ quan chủ trì chỉ chịu trách nhiệm tới khi sang QH, còn tiếp thu, chỉnh lý thế nào thì Ủy ban Thường vụ QH mà trực tiếp là các ủy ban và Hội đồng Dân tộc sẽ lo nốt cho đến khi ra luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga ủng hộ phương án 1. “Không nên giữa đường đổi vai nữa. Nên điều chỉnh theo hướng người trình phải trình đến cùng, còn người phản biện thì phản biện đến cùng. Tức là trở lại quy trình của luật năm 2008” - bà Nga nói.

Kết luận về sửa luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ông đã nhiều lần lưu ý các bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải ưu tiên, tập trung cho công tác xây dựng thể chế. “Việc cháy nhà, chết người cũng cần thiết nhưng xây dựng thể chế mới là quan trọng, là lâu dài” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về hai phương án mà Bộ Tư pháp báo cáo, Thủ tướng đề nghị tập trung vào phương án 1, để cơ quan trình dự án luật theo từ đầu tới cuối. Ông cũng một lần nữa lưu ý Văn phòng Chính phủ không thẩm định dự án luật nữa, bởi đó là việc của Bộ Tư pháp.

Từ ý kiến của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng, Bộ Tư pháp sẽ sớm hoàn thiện tờ trình cũng như dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng một lần nữa trước khi trình QH quyết định.

“Có khi luật ban hành mấy tháng đã thấy đề nghị sửa”

Tại phiên họp này, đại diện các cơ quan của QH cũng được Chính phủ mời dự.

Từ góc nhìn của quyền lực lập pháp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, xác nhận có tình trạng văn bản pháp luật thay đổi quá nhanh, có khi vừa ban hành mấy tháng đã thấy đề nghị sửa. “Vấn đề ở đây là vướng do luật hay do thực hiện pháp luật? Hiện có quán tính là cứ vướng một tí là đổ lỗi cho luật. Tôi cho là không phải. Có khi là do thực hiện”.

Về những bất cập, hạn chế trong từng văn bản pháp luật cụ thể mà các thành viên Chính phủ đã chỉ ra, bà Nga cho rằng có nhiều nguyên nhân. Đó là do tổng kết, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật không kỹ, dẫn tới đưa ra phương án lập pháp không ổn. Rồi chính các cơ quan có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản nể nang nhau. “Ban soạn thảo thì thành phần rất hoành tráng nhưng đến họp bàn chỉ có vụ trưởng, vụ phó, chuyên viên. Rồi nể nang nhau thì có cả ở cơ quan của Chính phủ, QH”.

Còn ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, thẳng thắn: “Chúng ta còn xem nhẹ công tác xây dựng thể chế. Những bất cập trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy ta chưa có công thức chuẩn để xây dựng tòa nhà pháp luật. QH các nước chỉ thông qua luật, còn QH ta chưa chuyên nghiệp bao nhiêu nhưng lại phải làm luật. Như vậy không hợp lý”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy