Sợ công khai, cán bộ lười sử dụng CNTT?

Tại kỳ họp lần thứ 14 của HĐND TP.HCM vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đã không ngại ngần chỉ thẳng “điểm nghẽn” rất đáng lưu ý về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính của TP - đó chính là do nhận thức, mức độ hiểu biết lẫn việc sử dụng CNTT của cán bộ, nhất là các vị lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện còn kém. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Lê Văn In, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, về vấn đề này.

Lười sử dụng CNTT vì “hữu ý”

. Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, chủ trương áp dụng CNTT trong cải cách hành chính (CCHC) là giải pháp nhằm “tăng tốc” cho cỗ máy hành chính vốn rất nặng nề của chúng ta vận động hiệu quả hơn. Nhưng xem ra trong mắt cán bộ, có vẻ như nó vẫn chưa thành “người thân quen”. Vì sao lại thế?

+ TS Lê Văn In: Có nhiều nguyên do dẫn tới việc này, trong đó có nguyên do “vô tình” lẫn “hữu ý”. Rõ ràng cơ sở hạ tầng công nghệ có hoàn thiện tới đâu, thủ tục dù có số hóa tới đâu, các phần mềm tạo ra dù có tiện ích tới đâu nhưng nếu những người trực tiếp vận hành cỗ máy đó không chịu cùng vận hành (từ nhận thức cho tới hành động) thì tất cả sẽ bị “vô hiệu”.

Quy trình hành chính điện tử tại UBND quận 1, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Theo tôi biết, TP.HCM và rất nhiều địa phương khác đã nỗ lực rất lớn, tập trung đầu tư không ít vào lĩnh vực này với hy vọng đẩy “cỗ máy” hành chính được liên thông hơn, nhanh hơn, chính xác hơn. Sẽ là có thể chấp nhận được nếu như cấu trúc hạ tầng công nghệ chưa được hoàn thiện hoặc chưa đủ độ tiện ích để cán bộ lãnh đạo có thể áp vào công việc quản lý, điều hành của mình. Còn nếu như vì “làm biếng”, đến cái thư điện tử cũng không rớ đến như ý của ông phó chủ tịch UBND TP nói tại kỳ họp HĐND TP vừa rồi là quả thật hết sức đáng trách.

. Ông có nói đến “hữu ý” trong việc lười áp dụng CNTT. Vậy hiểu thế nào về nguyên do này?

+ Ai cũng biết chủ trương về việc ứng dụng CNTT trong CCHC đã được đề cập từ rất lâu ở phạm vi quốc gia nhằm hướng tới việc hình thành Chính phủ điện tử thực sự. Chính phủ điện tử ấy sẽ tạo ra một môi trường hành chính công khai, minh bạch hơn; người dân cũng như cơ quan quản lý được trực tiếp tham gia giám sát vào quy trình vận hành của nó; hiệu quả, hiệu lực quản lý từ đó sẽ được nâng lên. Hạn chế tối đa những nhũng nhiễu, tiêu cực.

Từ đây dư luận được quyền đặt câu hỏi “CNTT giúp ích nhiều cho CCHC như thế, sao anh lại lười sử dụng?”. Phải chăng là anh ngại công khai thông tin, ngại sự giám sát của cấp trên, của dân chúng; ngại bị quan sát, theo dõi; ngại nhắc nhở. Đó cũng chính là “dư địa” để anh tạo ra sự tù mù của thủ tục theo ý chủ quan của anh. Từ đó mà dễ vòi vĩnh, nhũng nhiễu hơn, dễ xảy ra tiêu cực hơn.

Áp chế tài, tạo lề lối mới

. Ông Lê Mạnh Hà trong phát biểu tại kỳ họp HĐND TP lần thứ 14 vừa rồi cũng đề cập lại vụ “lương khủng”của các công ty công ích, đại ý là nếu ứng dụng CNTT tốt hơn thì đã không xảy ra sự vụ đáng tiếc này?

+ Như tôi đã nói, nếu CNTT được phát huy hiệu quả như chúng ta đề ra và mong muốn thì sự liên thông sẽ được hoàn thiện hơn. Các “bức tường” che chắn cho sự tù mù cũng bị phá bỏ, minh bạch theo đó cũng được hình thành. Và chỉ khi tất cả quy trình thủ tục, hoạt động xử lý của các cơ quan hành chính đặt dưới sự giám sát minh bạch thì con sâu tiêu cực mới bị “nhột”, mới “co vòi”. Còn tồn tại sự tù mù thì sẽ còn đất sống cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Một tình trạng chung hiện nay trong cả nước là CCHC thì cứ cải cách, thủ tục có giảm đi, quy trình có thu gọn,… nhưng dân than phiền thì vẫn cứ than phiền. Yếu tố cán bộ vẫn là cái mấu chốt mà ta phải tập trung “cải cách” họ, từ nhận thức đến hành động. Hướng tới là phải hình thành một mặt bằng chung từ trong nhận thức để họ thấy công khai, minh bạch là việc bình thường, là giúp ích công việc và chức trách của họ là phải phục vụ người dân chứ không phải “hành dân”.

. Theo ông, phải làm gì để thay đổi một cách căn cơ nhận thức của cán bộ trong việc sử dụng CNTT trong CCHC?

+ Phải có biện pháp chấn chỉnh chứ không phải nói suông. Phải bắt đầu thiết lập thói quen sử dụng bằng biện pháp “kỷ luật”. Chẳng hạn như từ việc trả lời thư điện tử, anh nào mà chậm thì phải bị các chế tài cần thiết. Song song đó, phải có biện pháp kiểm tra việc ứng dụng CNTT trong CCHC của tất cả cơ quan, đơn vị hành chính. Nơi nào tụt hậu, ngại thay đổi, phải có biện pháp chấn chỉnh người đứng đầu đơn vị, áp chế tài vào kết quả thi đua. Tất cả phải được làm một cách thường xuyên, liên tục. Nên nhớ rằng không có một lề lối nào bỗng dưng hình thành, nhất là khi ta đi lên từ một nền hành chính lạc hậu.

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại là trước khi áp “kỷ luật” với cán bộ về việc sử dụng CNTT trong CCHC thì việc đầu tiên cần phải hình thành một hệ thống hạ tầng CNTT để đáp ứng yêu cầu cải cách. Đồng thời phải tiến hành tập huấn có lớp lang, đúng đối tượng, để cán bộ biết họ đang nắm trong tay những hữu ích gì từ CNTT. Từ đó mới sử dụng được.

. Xin cảm ơn ông.

MẠNH LÊ thực hiện

Nếu ứng dụng tốt CNTT đã không có vụ “lương khủng”

 Nếu như các doanh nghiệp công ích trước đây ứng dụng CNTT một cách tích cực, kết nối với UBND TP, với các sở, ngành thì có lẽ đã không xảy ra vụ “lương khủng”. Bởi kết nối, liên thông tốt sẽ kiểm soát được những con số bất thường trong quá trình hoạt động, chi trả lương, sử dụng lao động. Báo cáo không bị bóp méo.

Phó Chủ tịch UBND TP LÊ MẠNH HÀ nói sáng 10-7 tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 14

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm