PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP.HCM LÊ MẠNH HÀ:

TP.HCM: Lãnh đạo sở, quận rất kém trong sử dụng CNTT

“TP.HCM là địa phương ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sớm và mạnh nhất trong các tỉnh, thành của cả nước. Điều này là tin vui. Nhưng cùng với đó là tin buồn, bởi nhận thức, mức độ hiểu biết và sử dụng CNTT của lãnh đạo sở/ngành, quận/huyện lại thuộc loại kém so với cả nước. Tôi khẳng định như thế”. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã thẳng thắn nói như vậy tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM sáng 10-7 khi đề cập đến nội dung về giám sát kết quả thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM trong ba năm (2011-2013).

Theo ông Hà, TP đã cung cấp hộp thư điện tử cho tất cả lãnh đạo sở, ngành. Nhưng tiếc rằng số lãnh đạo quan tâm, biết và sử dụng hộp thư lại chỉ chiếm vỏn vẹn có 40%, một con số rất khiêm tốn. “Việc đơn giản nhất khi áp dụng CNTT là sử dụng hộp thư điện tử mà cũng làm biếng không sử dụng, thậm chí là không học cách sử dụng. Như thế thì đúng là rất khó để có thể triển khai thêm những ứng dụng khác” - ông Hà đánh giá.

Nguyên nhân chậm chạp trong ứng dụng CNTT, ông Hà cho rằng chủ yếu là do lãnh đạo không quan tâm và cái chính là do họ không tự vận động. “Khi mà lãnh đạo còn không quan tâm, không biết về CNTT thì làm sao có thể áp dụng nó vào quy trình làm việc của cơ quan được. Làm sao có thể nói anh em áp dụng CNTT trong công việc” - ông Hà nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: HTD

Lấy ví dụ cụ thể, ông Hà cho hay việc cấp giấy phép chứng nhận đầu tư nước ngoài có tỉ lệ trễ hạn nhiều, một phần là vì áp dụng chưa tốt CNTT. “Hồ sơ thường trễ hạn trung bình là 22 ngày, lâu nhất là 222 ngày, tức là gần một năm và điều đáng nói là có rất nhiều hồ sơ như thế” - ông Hà nói và cho hay chính qua CNTT mới biết được có những hồ sơ trễ hạn tới hơn một năm, nhiều khi là hai năm mà vẫn còn nằm ngâm đó. “Điều này lãnh đạo cơ quan đó có khi cũng không biết. Đó là do họ không theo dõi, không sử dụng CNTT trong khi tôi ở UBND TP thì tôi lại biết được. Và chính vì nắm được như thế TP mới đốc thúc kiểm tra và báo cáo lại về những trường hợp này để xúc tiến giải quyết nhanh hơn” - ông Hà cho biết.

Vị phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng nếu như các doanh nghiệp công ích trước đây ứng dụng CNTT một cách tích cực, kết nối với UBND TP, với các sở, ngành thì có lẽ đã không xảy ra vụ “lương khủng”. “Bởi kết nối, liên thông tốt sẽ kiểm soát được những con số bất thường trong quá trình hoạt động, chi trả lương, sử dụng lao động. Báo cáo không bị bóp méo” - theo ông Hà.

Đồng tình với nhận định của ông Hà, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng áp dụng CNTT sẽ giúp quá trình cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn TP được nhanh gọn hơn, chính xác hơn.

“Không nói đâu xa, chỉ riêng việc văn phòng HĐND gửi tài liệu, thư mời cho các đại biểu, các sở/ngành, quận/huyện thôi cũng tốn rất nhiều thời gian. Email gửi đi rồi nhưng có mấy người quan tâm mở ra đọc. Buộc chúng tôi lại phải thêm động tác nữa là nhấc điện thoại gọi tới xác nhận xem người ta đã nhận được thư hay chưa” - bà Tâm cho hay. Bà Tâm chia sẻ: “Trước kia tôi sử dụng CNTT cũng kém. Nhưng mình kém thì phải nhờ người khác hướng dẫn, chưa biết cái gì lại nhờ anh em trong văn phòng chỉ giùm nên đã dần khắc phục được hạn chế của mình”.

THU HƯƠNG - LÊ THOA

Báo cáo tốt mà dân vẫn than phiền là không được

Nói về vấn đề chất lượng CCHC trong mắt dân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho hay: Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi thấy người dân vẫn còn phàn nàn về thủ tục hành chính còn chậm; làm giấy tờ, hồ sơ còn gặp phiền hà, nhũng nhiễu. Theo ông Lắm, không thể nào để tồn tại tình trạng báo cáo hằng năm cái gì cũng tốt nhưng lại bị dân than là chậm trễ, tỉ lệ hồ sơ gửi trả về cao. “Cái này thủ trưởng đơn vị không chịu trách nhiệm là không được. Sắp tới đây chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra kỹ, nếu sự việc xảy ra ở cơ quan, đơn vị nào, nhất định chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó” - ông Lắm cho biết.

Riêng với ngành thuế, ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết: “Năm 2014, chúng tôi kỷ luật bảy công chức, bốn trường hợp bị khiển trách, cảnh cáo hai trường hợp và buộc thôi việc một công chức. “Tuy nhiên, tại thời điểm này chúng tôi vẫn thấy người dân phản ánh có hiện tượng cán bộ công chức còn nhũng nhiễu, làm phiền người dân” - ông Dương nhìn nhận. Ông Dương cũng cho hay hiện đã có 132.000 doanh nghiệp tại TP đăng ký và kê khai thuế qua mạng, đạt tỉ lệ trên 95%. Điều này đã phần nào giúp giảm thời gian không phải xếp hàng cả buổi chờ đăng ký kê khai thuế.

Bầu bổ sung 301 hội thẩm TAND TP và quận, huyện

Chiều 10-7, kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VIII đã biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã và bảo vệ dân phố. Các đại biểu đã bầu bổ sung 301 hội thẩm TAND TP và quận, huyện (292 hội thẩm TAND cấp quận, huyện và chín hội thẩm TAND cấp TP).

Sáng nay (11-7), hội nghị sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP khóa VIII; nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; nghị quyết về công tác giám sát kết quả ba năm thực hiện chương trình CCHC của TP và bế mạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm