Thanh Hóa đang nhận trợ cấp Trung ương, được vay vượt 60% ngân sách là cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Nghị quyết nhằm thể chế hóa định hướng phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Bộ Chính trị đã thống nhất tại Nghị quyết 58/2020.

Nghị quyết 58/2020 giao Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hoá bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Thanh Hóa và các bộ, ngành xây dựng đề án trình Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày về Dự thảo Nghị quyết các chính sách đặc thù cho Thanh Hóa. Ảnh: QH

Vì là những chính sách đặc thù, nên có những điểm vượt quy định hiện hành.

Chẳng hạn về mức dư nợ vay, Chính phủ trình dự thảo quy định cho Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách. Theo Chính phủ, mức dư nợ vay của Thanh Hóa hiện hành không quá 20% ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Dư nợ vay của Thanh Hóa hiện nay là 2.636 tỉ, nếu nâng lên 60% theo dự toán 2021 thì mức dư nợ vay tối đa của Thanh Hóa là 7.909 tỉ đồng. Mức này Chính phủ cho rằng mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.

“Quốc hội đã cho phép TP.HCM và TP Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù này với mức dư nợ vay không vượt quá 90%”, Chính phủ báo cáo.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra nói đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết nhằm tạo căn cứ, dư địa để Thanh Hóa có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Ủy ban lưu ý việc huy động vốn vay phải phù hợp với khả năng trả nợ, khả năng huy động trong bối cảnh hiện nay, khả năng hấp thụ của địa phương và phải được xây dựng trên nhu cầu thực sự cần thiết và năng lực tổ chức thực hiện.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng mức vay là khá cao. Dư nợ hiện nay của Thanh Hóa tuy là 2.363 tỉ đồng và dự kiến đến 31-12-2021 chỉ là 718 tỉ, bằng 27,2 mức dư nợ cho phép. “Việc đề xuất điều chỉnh mức dư nợ vay lên tới 60% (tương đương 7.909 tỷ đồng) là quá cao, cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của một địa phương hiện vẫn đang nhận trợ cấp của Trung ương”, Ủy ban này nêu.

Mặt khác, Ủy ban này căn cứ vào việc áp dụng nới rộng mức dư nợ với các địa phương như TP.HCM, Hà Nội… và thấy rằng: dù có cơ chế đặc thù thì mức dư nợ vay thực hiện đều rất thấp so với mức được Quốc hội cho phép.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng có mặt trong phiên họp về Nghị quyết đặc thù cho Thanh Hóa. Ảnh: QH

Chẳng hạn sau 3 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, thì TP HCM cũng chỉ dư nợ năm 2018 là 18.502 tỉ, bằng 26,5% mức dư nợ được cho phép; dư nợ năm 2020 cũng chỉ đạt 23.752 tỉ đồng, đạt 34,9% mức Quốc hội cho phép. So với mức dư nợ tối đa là 90% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp là 67.940 tỷ đồng thì tỉ lệ dư nợ đặc thù là rất thấp.

“Như vậy, việc quy định ở mức quá cao là chưa khả thi, khó phát huy hiệu quả trên thực tế”, Ủy ban nhận định.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách còn trích dẫn Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025 và cho rằng: bội chi ngân sách chỉ là 0,3% GDP. Nếu tăng dư nợ quá cao cho Thanh Hóa sẽ hạn chế dư địa vay của các địa phương khác.

“Đề nghị Chính phủ tính toán nhằm bảo đảm tính hợp lý”, báo cáo thẩm tra nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm