Thủ tướng: Xem xét chế tài xử lý những người không chịu tiêm vaccine COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 347 ngày 22-12 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thông báo nêu Nghị quyết số 128 của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế cơ bản phù hợp, sát tình hình và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương.

Thủ tướng yêu cầu xem xét chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vaccine (trừ người chống chỉ định tiêm). Ảnh: VGP

Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, giao lưu đi lại của người dân tăng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh; nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Bên cạnh đó một bộ phận người dân chưa tiêm vaccine; số ca tử vong chủ yếu ở những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vaccine. Việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được triển khai kịp thời ở một số nơi, dẫn tới bị động, lúng túng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số địa phương thiếu chủ động nguồn nhân lực, dựa nhiều vào lực lượng hỗ trợ của trung ương và địa phương khác.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vaccine của biến chủng này, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong đó, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu: (i) người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ôxy…; (ii) vaccine là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch; (iii) bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc, động viên tinh thần cho người bệnh, kết hợp đông y và tây y trong điều trị.

Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất ngày 31-12-2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I-2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Quán triệt quan điểm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vaccine, Thủ tướng yêu cầu xem xét chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vaccine (trừ người chống chỉ định tiêm). 

Bộ Y tế được giao bảo đảm đủ thuốc điều trị; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện trên toàn quốc chủ động mua sắm theo quy định; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; chịu trách nhiệm kiểm định, quản lý chất lượng thuốc được đưa vào sử dụng; tổ chức mua tập trung một số loại thuốc điều trị thiết yếu và phải bảo đảm có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.

Bộ GTVT, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình và thông lệ của các nước với phương châm “không quá thận trọng nhưng cũng không quá chủ quan” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Bộ Tài chính, Bộ Y tế xử lý kịp thời các kiến nghị về tài chính, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế theo đề nghị của các tỉnh, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm