TP.HCM cần triển khai mô hình '3 trong 1' để chống dịch

TP.HCM đang trong giai đoạn siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với thông điệp “ai ở đâu ở yên đó” cho đến hết ngày 6-9. Theo công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến TP.HCM và ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; cũng như dựa vào các chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo TP, có thể thấy ba vấn đề trọng tâm đang được triển khai: Xét nghiệm, tiêm vaccine và hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định TP nên tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình “ba trong một” để đảm bảo trong hai tuần tới TP có thể đạt được những bước tiến quan trọng trong phòng chống dịch.

Xét nghiệm thế nào?

. Phóng viên: Hiện TP đang thực hiện kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP và Thủ tướng cũng có chỉ đạo về vấn đề xét nghiệm. Theo ông, công tác xét nghiệm cần tập trung vào mục tiêu nào và tổ chức ra sao?

+ PGS-TS Ngô Quốc Đạt: Chủ trương xét nghiệm cho người dân để tầm soát F0 là đúng nhưng cần lưu ý giai đoạn hiện nay đã khác mấy tháng trước. Hiện số ca F0 đã rất cao, F0 trong cộng đồng nhiều và rất khó kiểm soát. Vì vậy, nếu trước đây xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì bây giờ xét nghiệm tìm F0 để có phương án chữa trị, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế hiện vẫn còn quá tải.

Việc TP xác định vùng đỏ, vùng xanh…, tức là phân chia theo bốn mức độ nguy cơ căn bản là từ nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao, theo tôi là phù hợp. Với các vùng nguy cơ cao và rất cao (vùng cam, vùng đỏ), tôi nghĩ nên áp dụng phương pháp test nhanh chứ không nhất thiết chỉ dùng phương pháp xét nghiệm RT-PCR.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm của tôi, với người trong vùng nguy cơ cao có hoặc không có triệu chứng nghi ngờ bệnh thì cần test nhanh để phát hiện và theo dõi kịp thời chứ không nhất thiết phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (vốn mất thời gian, quy trình phức tạp, tốn kém). Chúng ta cũng không nên xét nghiệm gộp ở các vùng nguy cơ cao và rất cao, vì ở đó khả năng xuất hiện F0 lớn nên khi xét nghiệm mẫu gộp xong thì lại phải mất thời gian làm xét nghiệm cá thể để khẳng định.

Hệ thống xe xét nghiệm lưu động có thể đến các địa phương có nguy cơ cao trước để giúp người dân test nhanh nhằm có phương án xử lý sớm. Với các vùng có nguy cơ trung bình và thấp thì có thể cân nhắc test mẫu gộp. Tuy nhiên, nên ưu tiên việc hướng dẫn người dân tự test ở nhà vì việc này không khó làm.

Hôm 22-8, tôi thấy một số quận, huyện ở TP bắt đầu thí điểm cho người dân tự test nhanh tại nhà. Tôi nghĩ việc này cần được thúc đẩy càng nhanh càng tốt. Người dân phải quen với việc tự kiểm tra, theo dõi sức khỏe của mình, ngay cả khi họ sống trong khu vực được đánh giá là an toàn. Virus SARS-CoV-2, nhất là biến thể Delta, lây lan rất nhanh mà lực lượng y tế có hạn nên cần để người dân học cách thích nghi với nó (như tự test ở nhà) là điều cần thiết.

Chữa trị sớm F0, vaccine sớm cho người dân vùng đỏ

. Sau khi xét nghiệm có kết quả thì quy trình y tế tiếp theo với các F0 nên như thế nào?

+ Như tôi đã nhấn mạnh từ đầu, mục tiêu trong hai tuần tới và có thể là sau đó nữa chính là xét nghiệm để phát hiện F0 sớm nhưng không phải để cách ly tập trung tất cả F0 như trước đây. Mục đích của chúng ta là chăm sóc F0 kịp thời, không hoặc hạn chế tình trạng để họ trở nặng, đồng thời hướng dẫn họ cách tự chăm sóc bản thân có hỗ trợ từ bác sĩ. Quan trọng không kém là không để họ làm lây lan dịch bệnh.

Như vậy, khi phát hiện F0, chúng ta phải kích hoạt các mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng (ví dụ mô hình tại quận 10, quận 8 đang thực hiện và TP cũng đang nhân rộng cho các địa phương khác). Cụ thể, với các F0 không triệu chứng, nhẹ, không có bệnh nền được tiên lượng nằm trong nhóm an toàn thì sẽ được cấp túi y tế gia đình theo hướng dẫn của ngành y tế để tự chữa trị ở nhà. Các bác sĩ sẽ khám và tư vấn qua điện thoại hoặc các ứng dụng cuộc gọi video như Zalo, Viber… Tôi thấy quận Tân Bình có áp dụng mô hình “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19” rất hay và có ý nghĩa. Với các F0 được tiên lượng có thể trở nặng thì sẽ được theo dõi sát sao hơn để kịp thời áp dụng mô hình tháp ba tầng của TP.

. Còn với những người dân không bị nhiễm, nên quản lý ra sao?

+ Tôi nghĩ nên tận dụng giai đoạn này để tiêm vaccine cho họ. Phát hiện F0 và chữa trị tốt cho họ cũng có giá trị như tiêm vaccine, vì sau khi hồi phục cơ thể họ cũng đã có sức đề kháng, ít nhất cũng trong vài tháng. Vậy nếu phát hiện người dân chưa nhiễm thì phải tạo đề kháng cho họ bằng vaccine.

Ngoài các xe xét nghiệm lưu động thì các xe tiêm vaccine lưu động cũng rất quan trọng; cần đến tận các khu phố, đến nhà các hộ dân để hỗ trợ người có nhu cầu, nguyện vọng tiêm vaccine. Người dân ở vùng đỏ phải được tiêm càng nhanh càng tốt vì nguy cơ lây nhiễm ở đó là rất cao. Vaccine tuy chưa thể ngừa nhiễm bệnh hoàn toàn nhưng có thể giúp người không may bị nhiễm hạn chế trở nặng và tử vong. Điều đó cũng giúp hệ thống y tế giảm tải, phục hồi. Xét nghiệm đi trước, vaccine theo sau, cần lưu ý về khoảng cách, quy trình để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Xét nghiệm, chữa trị, vaccine phải đi kèm túi sinh kế

. Ngoài biện pháp tiêm vaccine và túi thuốc gia đình thì trong giai đoạn giãn cách, chống dịch hiệu quả cần thêm điều gì nữa không, thưa ông?

+ Tôi nghĩ là có, đó là thực phẩm cho người dân. Có một vấn đề mà tôi quan sát thấy đó là các khu vực có nguy cơ cao thường có mật độ dân số cao, lại tập trung ở các xóm trọ, con hẻm sâu, khu nhà lụp xụp. Ở các không gian nhỏ, hẹp thì nguy cơ lây nhiễm cao. Người lao động gặp khó khăn vì giãn cách nên dễ “phá rào” cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, các vùng đỏ thường rơi vào các phường, xã như vậy.

Vậy khi chúng ta đến gặp họ để xét nghiệm, phát túi thuốc cho F0, tiêm vaccine cho người không bị nhiễm thì cũng nên phát túi thực phẩm cho họ, ít nhất cũng đủ cho họ dùng ở hai tuần giãn cách căng thẳng này (cũng có thể phát thành nhiều lần). Các F0 khi có cái ăn và có thuốc uống thì họ an tâm ở trong nhà, không đi khắp nơi làm lây lan dịch bệnh. Người chưa bị nhiễm khi có cái ăn thì cũng an tâm ở trong nhà, không ra ngoài dễ bị lây nhiễm.

Như vậy, nếu phối hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả, chúng ta có thể hình dung mô hình “ba trong một” gồm xe xét nghiệm, thuốc chữa trị đi trước, xe vaccine theo sau, xe thực phẩm nối đuôi. Các xe này đi đến đâu thì sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề tới đó. Cũng có thể hình dung mô hình này qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hồi giữa tháng 8 vừa qua: “Nếu phát hiện F0 ở nhà nào, tổ chức khoanh luôn ngôi nhà đó, đồng thời phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong một tuần cho người bệnh”. Tôi thấy TP đã nhận được sự hỗ trợ từ quân đội thì quân đội cũng có thể tham gia vào các hoạt động này để cùng TP chống dịch, quyết tâm giảm thiểu người tử vong vì dịch.

. Xin cám ơn ông.

Quy trình xét nghiệm bằng xe lưu động cần lưu ý gì?

Áp dụng xe lưu động vào xét nghiệm thì tốt thôi nhưng vì xe mới được áp dụng nên cần theo dõi và cải tiến để phù hợp với công năng, tăng công suất. Ngoài ra, quy trình xét nghiệm cũng phải hết sức chặt chẽ. Điều quan trọng là: (i) Phải đảm bảo chất lượng của mẫu xét nghiệm, tránh bị hư hại, gây sai lệch kết quả; (ii) Phải đảm bảo công suất phù hợp và tốc độ cao; (iii) Phải đảm bảo an toàn trong quá trình lấy mẫu và xét nghiệm để không xảy ra tình trạng phơi nhiễm, lây lan dịch bệnh khi xét nghiệm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm