Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký Chỉ thị khẩn số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Chỉ thị này nhằm thực hiện Công điện số 1099 ngày 22-8 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trước ngày 15-9.
Do vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn TP thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và 8 biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
TP.HCM những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thứ nhất, thực hiện “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”. Trong đó lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.
Thứ hai, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ra quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường và nâng cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn. Giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Tư pháp hướng dẫn thực hiện.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội...
Thứ ba, tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo hướng dẫn tại Công văn số 2796 ngày 21-8 và Công văn số 2800 ngày 22-8 của UBND TP.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, trong đó cần bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh lần 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.
Đồng thời, chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức thực hiện.
Thứ năm, tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Trong đó, thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0 kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tổ chức các hình thức tiêm phù hợp với các khu phong tỏa, chung cư với thời gian linh hoạt. Các đội tiêm chủng phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị, quần áo bảo hộ. Giao Sở Y tế phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận,huyện triển khai thực hiện.
Thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động; được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh theo Công văn số 2818 ngày 22-8 của UBND TP, đảm bảo hoàn tất trước ngày 27-8.
Thứ sáu, đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn TP thực hiện giãn cách với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc theo Kế hoạch số 2798 ngày 21-8 của UBND TP.
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại Kế hoạch 2715 ngày 15-8 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Giao Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thực hiện.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác; hướng dẫn, động viên người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch. Kiên quyết đấu tranh, phản bác, xử lý kịp thời các thông tin sai trái, xấu độc. Giao Sở TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu thực hiện.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn TP khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị nêu trên; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc.