Trong 20 ngày sẽ trục vớt tàu Bạch Đằng chìm ở biển Mũi Né

Chiều 29-3, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã chính thức phê duyệt phương án trục vớt tàu Bạch Đằng đang chìm và mắc cạn tại vùng biển Mũi Né, Bình Thuận.

Dùng phao quây để tránh tràn dầu.

Theo đó căn cứ cuộc họp ngày 26-3 do Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, lấy ý kiến các cơ quan đơn vị đối với phương án trục vớt do Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm nghiên cứu, xây dựng; Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã chấp thuận phương án trục vớt của Công ty này.

Tàu Bạch Đằng có chiều dài 73,50 m; rộng 13,23 m, chiều cao mạn 4,5 m, mớn nước 3,70 m, tải trọng 2.560,91 tấn; vỏ tàu bằng thép, có hai máy chính, hàng hóa trên tàu 1.500 tấn tro bay.

Chủ tàu là Công ty Cổ phần Đầu tư ĐMK (Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) và đơn vị trục vớt Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm (Đồng Hới, Quảng Bình).

Tàu bị chìm úp nghiêng phía mạn trái, một phần đáy tàu từ mũi về giữa con tàu còn nổi trên mặt nước và nằm nghiêng so với mặt nước biển khoảng 15 độ. Mũi tàu hướng về phía Tây. Độ sâu đáy biển vị trí tàu chìm khoảng 7 m. Thời gian dự kiến khoảng 20 ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.

Trước khi trục vớt, Cảng vụ Hàng Hải Bình Thuận yêu cầu chủ tàu, đơn vị trục vớt thông báo cụ thể thời gian, kế hoạch, khu vực thi công cho Cảng vụ Hàng hải; các đơn vị liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng để các phương tiện lưu thông, đánh bắt thủy sản tại khu vực trên biết.

Theo đơn vị thi công, sau khi tập kết phương tiện, thiết bị đầy đủ đến hiện trường tàu chìm, việc trục vớt sẽ được tiến hành.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn có mặt giám sát.

Được biết, đơn vị trục vớt đang đưa phương tiện cẩu 350 tấn, móc cẩu và các thiết bị khác từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến và chờ thời tiết thuận lợi để trục vớt tàu.

Về phương án trục vớt, các thợ lặn sẽ móc cẩu cố định vào các vị trí mạn tàu. Sau khi cẩu lật tàu về trạng thái tự nhiên, đơn vị thi công sẽ bơm vét nước ở trong các khoang, két của tàu ra ngoài để làm tàu nối dần lên.

Trong quá trình bơm, các thợ lặn sẽ kiểm tra bịt vá các lỗ thủng của Bạch Đằng (nếu có). Khi tàu Bạch Đằng nổi hoàn toàn trong trạng thái an toàn, sẽ thông báo các cơ quan chức năng và kéo tàu về nhà máy sửa chữa tại TP.HCM.

Ngày 26-3, làm việc với các đơn vị liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bày tỏ không hài lòng khi chủ tàu chỉ cử một trưởng phòng đến làm việc, đại diện công ty bảo hiểm cũng vắng mặt.

Theo ông Hoàng, việc trục vớt tàu phải được thực hiện khẩn trương tránh gây ảnh hưởng đến môi trường và tác động xấu đến du lịch. Do vậy chủ tàu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sự cố liên quan trong việc chậm trễ trục vớt tàu.

Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam cũng lưu ý chủ tàu trong việc triển khai khắc phục sự cố và cho biết Cục Hàng hải sẽ xem xét xử phạt chủ tàu vì chậm trễ trong công tác phối hợp.

Quá trình trục vớt được thực hiện theo bốn bước về thanh thải hàng hóa, di dời tàu, vị trí neo tàu sau trục vớt, cảnh báo an toàn điều tiết giao thông để các thuyền đánh cá tránh né khi triển khai. Ngoài việc trục vớt, các đơn vị cũng phải sớm có kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Tàu vận tải Bạch Đằng, trọng tải 2.500 tấn, gồm bảy thuyền viên, thuyền trưởng là Nguyễn Đức Trung.

Tàu xuất bến lúc 10 giờ 00 ngày 14-3, chở 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đi Cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Khi hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né cách bờ khoảng 0,5 hải lý (khoảng 18 giờ 40) thì bất ngờ bị lật ngang, chìm.

Đến 20 giờ cùng ngày đã cứu vớt được bảy thuyền viên trên tàu Bạch Đằng và đưa vào bờ an toàn, tình trạng sức khỏe bình thường, ổn định.

Đến trưa 21-3, gần 4.000 lít dầu DO lẫn nước biển đã được hút khỏi tàu Bạch Đằng bị chìm tại vùng biển Mũi Né.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm