Xử cán bộ sai phạm về đất khó hơn vì nhiều nơi sợ mất cán bộ

Chiều ngày 16-9, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TP

Xử lý khó vì nhiều nơi sợ mất cán bộ

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết từ 1-6-2019 đến 30-6-2019, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 35 vụ với 138 bị cáo; đã xét xử 19 vụ với 67 bị cáo phạm các tội liên quan đến vấn đề đất đai.

“Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước” - ông Bình nói và cho hay các Tòa án cũng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản thiệt hại cho nhà nước.

Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng thừa nhận việc xét xử các hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

“Việc điều tra, truy tố những người phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai thường khó phát hiện hơn những người phạm tội khác; có nơi còn có biểu hiện sợ mất thành tích, mất cán bộ nên không xử lý, thậm chí che giấu vi phạm…” - ông Bình nói.

Theo ông Bình nguyên nhân của tình trạng trên do hệ thống pháp luật đất đai và các quy định liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, các quy chuẩn về xây dựng, quy hoạch đô thị còn bất cập, mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa đủ mạnh; công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn sơ hở, lỏng lẻo, việc sử dụng đất đai có nơi còn lãng phí...

Ông Bình cũng thông tin thêm, những năm qua công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như…

“Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Đồng thời, chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản” – ông Bình nói.

Hạn chế oan, sai trong truy tố

Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết từ tháng 12-2015 đến 30-6-2020, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 100% nguồn tin về tội phạm.

Qua đó, đã yêu cầu khởi tố 2.889 vụ án, 2.735 bị can; hủy bỏ 310 quyết định không khởi tố vụ án và 336 quyết định khởi tố vụ án; yêu cầu hủy 74 quyết định khởi tố vụ án; trực tiếp khởi tố 87 vụ án và yêu cầu điều tra theo đúng quy định của pháp luật,...

Toàn ngành đã kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, theo đó, đã không phê chuẩn và hủy 3.199 lệnh, quyết định, yêu cầu bắt tạm giam 230 bị can theo đúng quy định pháp luật…

Kết quả các trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khởi tố hình sự đạt trên 98%; các trường hợp tạm giam bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế oan, sai.

Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC. Ảnh: TP

Đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án; đã trực tiếp khởi tố, yêu cầu điều tra 87 vụ án, 40 bị can; hủy 1.073 quyết định khởi tố bị can; 136 quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra để phục hồi điều tra theo đúng quy định pháp luật.

Tiến độ, chất lượng giải quyết án tại Viện kiểm sát được nâng lên; tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt 99,9% và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội.

“Thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm khi đình chỉ bị can, nhất là đình chỉ bị can do không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự. Kết quả, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần theo từng năm. Trong đó, năm 2017 giảm 36%, năm 2018, giảm 47,8%” - ông Giảng thông tin.

Cũng theo ông Giảng chất lượng tranh tụng, vai trò, trách nhiệm của kiểm soát viên tại phiên tòa được tăng cường, hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giảm dần các trường hợp truy tố oan, sai.

Cụ thể, số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội năm 2016: 10 bị cáo; năm 2017: chín bị cáo; năm 2018: tám bị cáo; năm 2019: bốn bị cáo; năm 2020: 0 bị cáo.

Tòa án đã ban hành 4.980 kháng nghị phúc thẩm, 603 kháng nghị giám đốc thẩm; chất lượng kháng nghị đạt cao, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 77,5%, tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 87,2%, đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người

Ông Mai Tiến Dũng cho biết những năm qua Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang Bộ. Giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc.

Việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn. Trên cơ sở quy định khung, điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện”

Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015.

“Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người” – ông Mai Tiến Dũng cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm