Thử thách 5 ngàn, 10 ngàn hoặc 30 ngàn/bữa cơm: Hà khắc hay tiết kiệm?

(PLO)-  Ăn uống thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể là nguyên nhân của các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây trên mạng xã hội TikTok và Facebook đang diễn ra trào lưu “thử thách nấu ăn dưới 30 ngàn đồng/bữa cơm cho 4 người”, “thử thách nấu ăn 5 ngàn đồng hoặc 10 ngàn đồng/bữa cơm”… thu hút nhiều người sử dụng mạng xã hội tham gia. Những thử thách này được kéo dài trong một tuần, thậm chí một tháng, để thể hiện sự khéo léo cũng như tiết kiệm của người nội trợ trong cơn bão giá hiện nay.

Những thử thách nấu ăn chỉ với 15 ngàn đồng/bữa đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng mạng xã hội. ẢNH: Chụp màn hình

Những thử thách nấu ăn chỉ với 15 ngàn đồng/bữa đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng mạng xã hội. ẢNH: Chụp màn hình

Những bữa cơm tiết kiệm hay hà khắc?

Theo đó, chỉ cần lướt TikTok hoặc Facebook với từ khóa “ăn cùng tiktok”, “thử thách 5 ngàn”, hay “bữa cơm tiết kiệm”… sẽ xuất hiện hàng loạt bài đăng, video về bữa cơm tiết kiệm này. Với giá 5 ngàn, 10 ngàn hoặc 30 ngàn những mâm cơm chỉ vọn vẹn rau xanh, trứng, đậu khuôn, hoặc chút thịt cho khẩu phần trên 2 người ăn

Tài khoản TikTok có tên “phuongnguyenxxx” đăng tải bài viết về bữa ăn 20 ngàn đồng cho 5 người gồm 1 đùi gà luộc chặt nhỏ, nước dùng làm canh.

Bài đăng này nhận về hàng nghìn lượt theo dõi và yêu thích. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng bữa cơm này quá ít cho 5 người, cũng như thiếu rau xanh. Người dùng có tên “QuangHangxx” bày tỏ lo ngại khi cho rằng với đùi gà 20 ngàn thì chắc chắn đùi gà công nghiệp bị hoặc gà bệnh hay đùi gà đông lạnh không đảm bảo chất lượng.

Còn với Bích Ngọc bày tỏ: “5 người cho một đùi gà nhỏ xíu thì mỗi người một miếng là hết. Rồi ăn cơm với muối, thử thách này vô nghĩa khi không đảm bảo dinh dưỡng lẫn chất lượng thực phẩm. Làm việc vất vả còn ăn uống nghèo nàn thì sức khỏe nào chịu nổi”.

Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình từ người dùng mạng xã hội khi cho rằng chỉ nên tham gia cho vui, đăng lên mạng, còn không nên áp dụng trong bữa ăn gia đình.

“Việc nấu ăn này tưởng chừng như tiết kiệm, vun vén chi tiêu trong gia đình nhưng thực chất là sự hà khắc và vô bổ. Những ý tưởng này đang truyền thông điệp sai lầm về tiết kiệm và dinh dưỡng. Ăn tạm một bữa không sao, nhưng qua bữa thứ hai là đã không đủ năng lượng cho cơ thể, nhất là trẻ nhỏ, người già”- chị Thanh Hằng, người dùng mạng xã hội Facebook bày tỏ bức xúc.

Trên thực tế không chỉ tài khoản “phuongnguyenxxx” tham gia thử thách trong vòng một tuần, mà nhiều tài khoản TikTok khác cũng tham gia thử thách trong thời gian dài với chi phí bữa ăn eo hẹp như 10 ngàn/bữa ăn chỉ với rau xào, trứng chiên hoặc một bữa ăn chỉ ăn đậu hũ chiên, rau luộc.

Trào lưu vui, nhưng có hại

Th.S - BS Phạm Ngọc Oanh, Trưởng Khoa dinh dưỡng Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP.HCM (HCDC), đánh giá: Ở thời điểm hiện tại, một bữa ăn chỉ có giá 5.000-10.000 đồng mà vẫn đủ các nhóm chất dinh dưỡng thì dường như rất khó thực hiện được.

BS Oanh đặt vấn đề: “Hiện nay, một quả trứng đã tốn 3.000 đồng, một miếng đậu hũ 5.000 đồng… thì chi phí dành cho rau xanh, rồi gạo nấu cơm sẽ ra sao? Rất khó để cân bằng dinh dưỡng trong một khoản tiền eo hẹp như thế. Đó là chưa tính đến vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng của món ăn”.

Theo BS Oanh, nếu mua thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thì dù giá rẻ đến đâu cũng khiến người dùng đối mặt với khả năng bị ngộ độc như đi ngoài, nôn ói hoặc hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

“Chính vì thế, những trào lưu này có thể khiến cơ thể đối mặt với việc thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu năng lượng để hoạt động; đối mặt với tình trạng an toàn thực phẩm đang nóng lên từng ngày, có thể hệ quả không cấp thời nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe” - BS Oanh lưu ý.

Một bữa ăn cần đầy đủ các nhóm chất để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. ẢNH: HQ

Một bữa ăn cần đầy đủ các nhóm chất để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. ẢNH: HQ

ThS-BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhấn mạnh, hiện nay có nhiều bằng chứng khoa học chứng mình rằng, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của mỗi con người trong suốt cả cuộc đời, thậm chí liên quan đến cả thế hệ sau của họ (dinh dưỡng với chu kỳ vòng đời). Do đó hành vi ăn uống thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể là nguyên nhân của các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Cũng theo BS Tiến, không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên.

“Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...). Ngoài ra, nên có cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn vì có nhiều muối/ngọt/mỡ, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động); Không nên ăn mặn, sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn và tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi, đồng thời duy trì cân nặng ở mức “nên có””- BS Tiến khuyến nghị chế độ dinh dưỡng chung hiện nay trong phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm