Tờ Straitstimes cho biết, vừa qua Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã lên tiếng cảnh báo với thử thách nấu “thịt gà với thuốc chữa bệnh” vừa qua đang lan truyền trên TikTok.
Trào lưu này bắt đầu với tên gọi “sleepy chicken” (món gà ngái ngủ), trong đó người tham gia sẽ rưới NyQuil, một loại thuốc cảm lạnh và đau đầu phổ biến ở Mỹ, lên ức gà và nấu cùng nhau.
Theo Cục FDA, trong NyQuil có chứa các thành phần gồm acetaminophen, dextromethorphan, doxylamine, việc đun sôi thuốc có thể làm thay đổi nồng độ và đặc tính của thành phần trên.
“Ngay cả khi bạn không ăn thịt gà, việc hít phải hơi thuốc trong khi nấu cũng có thể khiến lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể bạn”, FDA cảnh báo.
Việc nấu thịt gà với thuốc cảm vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. ẢNH: SCREENGRABS |
Thực tế, Bill Sullivan, giáo sư về Dược học và Độc chất tại Đại học Y Indiana cũng cho biết nếu hít phải hơi từ NyQuil ở liều lượng cao có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, ảo giác, mất ý thức hoặc thậm chí co giật.
Andy Hirneisen, chuyên gia cao cấp về an toàn thực phẩm tại Penn State Extension, cảnh báo thêm rằng việc thịt nấu không đúng cách vốn gây hại cho người tiêu dùng.
"Bên cạnh rủi ro do vi sinh vật, việc đổ thêm thuốc cảm này còn làm tăng thêm rủi ro hóa học", Andy nói về những clip người nấu cố tình làm tái miếng ức gà thay vì đảm bảo thịt đã chín hết bên trong.
Hiện, mạng xã hội TikTok đã xóa kết quả tìm kiếm cho từ khóa “NyQuil Chicken” và hashtag liên quan đến trào lưu nấu nướng này, sau khi FDA lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, một số tên gọi khác (như cố tình viết sai chính tả, hoặc đặt tên gọi khác) khi tìm kiếm vẫn cho ra các video gợi ý như trước.
Các chuyên gia FDA nhấn mạnh rằng, xu hướng nấu nướng này là ví dụ mới nhất về mức độ của phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến việc số đông tiêu thụ các sản phẩm, món ăn không an toàn như thế nào.
Trước đó, trên mạng xã hội này, cơ quan chức năng cũng ghi nhận trường hợp trẻ em thực hiện thử thách ăn bột giặt Tide Pods hoặc “thử thách Benadryl”, khuyến khích người xem sử dụng liều lượng lớn thuốc chống dị ứng để gây ảo giác.
“Vốn dĩ những thử thách tạo trào lưu trên mạng xã hội thường nhắm vào giới trẻ, những lứa tuổi dễ bốc đồng và dễ hành động mà không xem xét các hậu quả”- FDA nhấn mạnh,
Do đó, trước mối lo ngại về sự gia tăng các rủi ro sức khỏe lẫn các ca cấp cứu nảy sinh từ các thử thách trên TikTok, FDA đã kêu gọi phụ huynh cho trẻ em tránh xa các loại thuốc không kê đơn và cảnh báo cho con cái biết về hậu quả nếu làm theo các video xu hướng trên TikTok.