Việc chị Hoàng Thị Kim Dung (Hà Nội) sinh hai bé trai ngày 9-12 bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người cha đã mất bốn năm trước trong một tai nạn giao thông được xem là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó cũng đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý thú vị.
Trường hợp đầu tiên tại Việt Nam
TS-BS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người thực hiện lưu trữ tinh trùng và thụ tinh ống nghiệm cho chị Hoàng Thị Kim Dung, cho biết về mặt kỹ thuật thì lưu trữ tinh trùng không phải là một kỹ thuật khó, cũng không còn xa lạ ở Việt Nam. “Tuy nhiên, bảo quản tinh trùng từ người chết và sau đó thụ tinh trong ống nghiệm thì trường hợp của chị Dung là đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, trường hợp này rất may mắn khi thành công ngay từ lần thụ tinh đầu tiên. Kết quả xét nghiệm AND chứng minh 99,99% hai cháu bé là con của anh Ngọc và chị Dung” - BS Vệ nói.
Theo BS Vệ, thế giới chưa có thống kê đầy đủ các trường hợp mang thai từ tinh trùng người đã mất. Qua tìm hiểu của ông thì không nhiều lắm, có một trường hợp ở Mỹ, tuy nhiên phải đến lần thứ hai thì ca thụ tinh mới thành công. “Khi một người bị tai nạn hoặc chết đột tử, người thân họ muốn lưu giữ tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm thì hiện chưa có một quy định nào để cá nhân tôi cũng như giới y khoa có thể thực hiện phù hợp với truyền thống đạo đức xã hội, nhân văn và đúng pháp luật” - BS Vệ bày tỏ.
TS-BS Lê Vương Văn Vệ, chị Dung và hai cháu bé ra đời từ tinh trùng của người bố đã qua đời bốn năm trước. Ảnh: HUY HÀ
Theo BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, để lấy tinh trùng từ tinh hoàn người mới mất, thời gian khuyến cáo là trong vòng 24 giờ (cá biệt, có thể trong vòng 36 giờ). Nếu tinh trùng lấy ra còn sống, có thể lưu trữ được trong vòng nhiều năm. Trên nguyên tắc, không có giới hạn về tuổi người mất. Tuy nhiên, tuổi càng lớn thì chất lượng tinh trùng càng giảm.
Theo BS Tường, việc lấy tinh trùng và lưu trữ tinh trùng từ người đã chết về kỹ thuật thì khá đơn giản, hầu hết các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, về pháp lý và y đức, đây là vấn đề đã được tranh luận rất nhiều trên thế giới. Hầu hết các nước trên thế giới không ủng hộ hoặc cấm việc lấy tinh trùng từ người chết nếu người này không có cam kết bằng văn bản đồng ý trước đó. “Theo tôi, đó cũng là lý do mà trước nay ít có bệnh viện nào ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này” - BS Tường nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc lấy tinh trùng người chết để thụ tinh nhân tạo, giống trường hợp của chị Dung. Trên thế giới, đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về cả pháp lý và đạo đức về việc người còn sống là vợ (hoặc người yêu) lấy tinh trùng của người chết để lưu trữ, thụ tinh trong ống nghiệm. Vì người có tinh trùng đã mất nên không thể hiện được ý chí đồng ý hay không đồng ý việc cho lưu trữ và thụ tinh từ tinh trùng của họ.
Lỗ hổng pháp lý trong việc xác nhận cha và thừa kế
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, sự kiện trên đồng thời cho thấy lỗ hổng pháp lý về việc xác định con chung và người thừa kế.
Thứ nhất, về mặt con chung, theo quy định ở Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về xác định cha, mẹ: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”. Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2001 về xác định con chung của vợ chồng: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết… thì được xác định là con chung của hai người”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai cháu bé sinh ra sau hơn bốn năm kể từ ngày cha các cháu mất, như vậy chiếu theo những quy định trên thì không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân. Muốn xác định cha cho hai cháu bé thì phải làm thủ tục nhận cha rồi mới ghi tên cha trên giấy khai sinh.
Thứ hai, về người thừa kế, theo Điều 635 Bộ Luật dân sự 2005, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết… Như vậy, tại thời điểm chồng chị Dung chết, hai cháu bé chưa thành thai nên không được xác định là người thừa kế của chồng chị Dung.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng không cấm việc các bác sĩ hoặc cơ sở y tế thực hiện lấy tinh trùng hoặc trứng để trữ lạnh và thụ tinh sau này. Tuy nhiên, cũng không có hành lang pháp lý nào để đảm bảo việc thực hiện này. Vì vậy, tất cả vấn đề này pháp luật phải sửa đổi, bổ sung để tiên liệu và điều chỉnh cho những quan hệ phát sinh sau này.
Có thể thụ tinh từ trứng của người đã chết? Đối với người chết là nữ, hiện chưa có nghiên cứu về lấy buồng trứng ở người chết. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì cần càng sớm càng tốt vì noãn nhạy cảm hơn tinh trùng rất nhiều. Phải trữ lạnh mô buồng trứng, trên nguyên tắc, có thể trữ trong vòng nhiều năm. Tuy nhiên, hiệu quả của trữ lạnh mô buồng trứng hiện nay còn rất thấp. Chỉ nên trữ buồng trứng ở những người không quá 35 tuổi. TP.HCM cũng chưa thực hiện việc lấy trứng từ người đã mất vì vấn đề kỹ thuật, pháp lý và y đức phức tạp hơn nhiều so với tinh trùng. BS HỒ MẠNH TƯỜNG, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản |
HUY HÀ - TRẦN NGỌC