Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải những băn khoăn của kỳ thi THPT 2017

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa có những giải đáp về những băn khoăn của thầy trò và phụ huynh quanh Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH - CĐ trong chương trình “Vấn đề hôm nay” phát sóng trực tiếp trên VTV1 lúc 22 giờ 5 phút tối ngày 9-9.

Theo đó, Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã gây nhiều bất ngờ và lo lắng cho các trường THPT cũng như phụ huynh học sinh (HS) vì nhiều điểm mới đáng lưu ý.

Cụ thể, thay bằng việc thực hiện các môn thi, thí sinh (TS) sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội.

TS có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng TS giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn: Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí). TS có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Về đề thi, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Còn tất cả các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng.  TS làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm; Toán có 50 câu; Ngoại ngữ có 40 câu.

Về thời gian, các bài thi Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút. Theo Bộ, năm 2017 nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).

Theo dự thảo này, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2016.  HS và giáo viên có thể tham khảo định dạng của đề thi này để ôn luyện trong quá trình dạy, học.

Về lịch thi, thay bằng thi kéo dài trong 4 ngày, năm 2017 sẽ tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước. Cụ thể như sau: Ngày thứ nhất: Buổi sáng: thi bài thi Ngữ văn; Buổi chiều: thi bài thi Khoa học tự nhiên. Ngày thứ hai: Buổi sáng: thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ; Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.

Phụ huynh HS trao đổi đề thi sau khi hết giờ làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua

Bộ GD&ĐT đã dự tính thi trắc nghiệm môn toán từ năm 2006

Trả lời băn khoăn về việc môn toán thi trắc nghiệm liệu có phù hợp hay không, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng đúng là môn toán có nhiều cách giải khác nhau nhưng chỉ có một đáp số thôi. Vì thế, nếu thi trắc nghiệm, em nào giỏi, giải nhanh thì các em ra được đáp số nhanh hơn để các em có nhiều thời gian làm những câu khác. Thật ra, việc thi trắc nghiệm môn toán ở nước ta có thể mới nhưng trên thế giới đã áp dụng từ lâu rồi. Từ năm 2006, chúng ta đã tính đưa môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng xã hội chưa đồng tình vì khi đó chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

“Trong 10 năm qua, chúng ta đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nước trên thế giới nên Bộ GD&ĐT đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực người học bằng hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Trong 3-4 năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thi và ra đề trắc nghiệm này theo hướng đánh giá năng lực và kết quả khá hoàn hảo. Khi so sánh giữa cách thi đó với việc thi môn toán trong các kỳ thi THPT quốc gia và quá trình học môn toán của các em trong trường phổ thông thì kết quả khá trùng khớp với nhau” – Thứ trưởng Ga nói.

Học sinh không cần phải lo lắng 

Về việc các bài thi tổng hợp khiến HS lo lắng vì sợ không chuẩn bị kịp trong một năm học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng,  các em không có gì phải lo lắng cả vì đây là bài thi tổ hợp chứ không phải tích hợp như nhiều người nghĩ.

Tức là mỗi môn thi được tách riêng biệt trong một bài thi để các em làm, như bài thi khoa học tự nhiên thì có ba môn lý, hóa và sinh tách biệt nhau chứ không phải kiến thức môn lý chồng lên môn hóa nên các em cứ học để thi bình thường, chứ không có gì thay đổi cả.Nghĩa là, các em đã học tập trung theo khối A như trước đây thì các em cứ học bình thường, còn khi các trường ĐH làm tổ hợp môn để xét tuyển thì có thể dùng cả bài thi đó hoặc dùng một trong các phần theo môn thi trong bài thi đó để xét tuyển...

Trả lời câu hỏi tại sao năm nào Bộ cũng đổi mới thi cử khiến HS như luôn bị đưa ra làm “thí nghiệm” mà không đánh giá, rút kinh nghiệm để có hướng triển khai tốt hơn? Theo thứ trưởng Ga, chính vì các em nên Bộ mới thay đổi từng bước như vậy chứ nếu thay đổi lập tức trong một năm thì không thể nào các em thích ứng kịp. Vì thế, Bộ đã tiến hành làm từ ba năm nay, mỗi năm đổi mới một bước, mỗi lần đổi mới đều theo hướng làm cho các em học ngày càng nhẹ nhàng hơn và quyền lợi các em cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ.

“Tất cả những đổi mới mà Bộ đang làm này là theo một lộ trình khoa học và Bộ hoàn toàn chủ động để thiết kế các bước đi để các em không bị sốc. Do đó, các em ôn thi và học bình thường vì nội dung thi vẫn năm ở chương trình phổ thông, nhất là ở lớp 12 thôi” – Thứ trưởng Ga lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới