Thủ tướng đưa ra 6 nhóm giải pháp để doanh nghiệp phát triển

(PLO)- Tại buổi gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 4-10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp cần một "điểm tựa"

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cho hay từ khi khai trương mạng di động năm 2004 đến nay, sau 18 năm, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới.

Hiện, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực với tổng số vốn là 1,5 tỉ USD.

Viettel.jpg
Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết doanh nghiệp kinh doanh ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn. "Khi xin phép đầu tư, Viettel luôn khảo sát rất kỹ thị trường trước quyết định, tuy nhiên chúng ta cũng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia".

Ngoài ra, khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ cũng là thách thức với doanh nghiệp này. Do đó, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng khi kinh doanh ra nước ngoài doanh nghiệp rất cần điểm tựa, nhất là tại những nước không có sứ quán, bảo hộ đầu tư. Ngoài ra, cũng cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài

Cũng theo ông Thắng, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.

Một vấn đề khác, ông Thắng cho rằng cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại vùng, khu vực cụ thể,cùng các doanh nghiệp khác của Việt Nam nhằm tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Cần thêm những chính sách kích cầu tiêu dùng

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, cho rằng để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".

TTC.jpg
Tập đoàn TTC cho rằng cần thêm những chính sách kích cầu tiêu dùng, lưu thông hàng hóa. Ảnh: VGP

Lấy ví dụ, bà Ngọc cho biết Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.

"Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định" - bà Ngọc nói.

Cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này.

Trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.

Đại diện Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.

Đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân và quý vị đại biểu đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: VGP

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Bốn, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện năm tiên phong.

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực). Tiếp theo, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, liêm chính.

Cuối cùng, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm