Đó là một trong nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với các bộ, ngành và tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày 7-3 tại Cần Thơ để nghe báo cáo công tác chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đối với nông dân vùng bị thiên tai có vay nợ ngân hàng thì phải khoanh nợ cho người dân bị thiệt hại. Nếu cần thiết có thể ban hành ngay chỉ thị về vấn đề này vì đây là việc cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Trong lúc thiên tai lớn và mang tính lịch sử xảy ra trên diện rộng, ngân hàng phải phát huy trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá về cơ bản lâu dài, vùng ĐBSCL theo nhiều dự báo sẽ chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, do vậy Bộ TN&MT cập nhật liên tục tình hình BĐKH và có dự báo kịch bản cho sát. Trên cơ sở dự báo phải rà soát để điều chỉnh tổng thể KT-XH vùng. Đặc biệt quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL và phải nhớ đây là thủy lợi cho ứng phó BĐKH.
Về phần kinh phí, Thủ tướng cho rằng nguồn kinh phí có hạn nên ngoài nguồn ngân sách, các DN xuất khẩu thủy sản, nông sản cần có sự đóng góp và cộng đồng trách nhiệm chia sẻ trong lúc dân gặp thiên tai.
Bản đồ xâm mặn vùng ĐBSCL.
Trước tình hình hạn mặn ở vùng ĐBSCL, Thủ tướng tính toán với số liệu Bộ NN&PTNT cập nhật, thiệt hại diện tích lúa đã lên đến 160.000 ha, khoảng 5.000 tỉ đồng và đang tiếp tục thiệt hại. Hạn mặn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng chuyên canh cây ăn trái, thủy sản và nỗi lo cháy rừng.
“Nhìn những con số để rõ hơn trách nhiệm của chúng ta, để nỗ lực cao nhất giảm khó khăn vất vả của người dân. Phải dồn sức giúp dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tái đầu tư khôi phục sản xuất” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Quang cảnh buổi làm việc sáng nay.