Sáng 7-3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống hạn mặn.
Quang cảnh buổi làm việc sáng 7-3
“Trong tháng 3 và tháng 4 sắp tới nguy cơ tình hình xâm nhập mặn sẽ xấu hơn và xâm nhập có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6-2016, muộn hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng gần hai tháng” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thông tin tại buổi làm việc.
Bơm chuyền nước ở Tiền Giang để trữ nước ngọt cứu lúa
Kênh rạch cạn nước ở Sóc Trăng
Có 9/13 tỉnh thành phố trong khu vực gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang đời sống nhân dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là gần 139.000 ha, trong đó 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%) và các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau 49.343 ha, Kiên Giang 34.093 ha, Bạc Liêu 11.456 ha…
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, thời gian tới có thêm khoảng 46.000 ha diện tích lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn hán, đồng thời tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000 ha vụ hè thu 2016 không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước.
Lúa chết vì xâm nhập mặn ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn bốn xã của huyện Chợ Lách nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng đo xâm nhập mặn, còn lại đều bị ảnh hưởng bởi mặn.
- 523,7 tỉ đồng là số tiền mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho 34 địa phương khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ đông xuân 2015-2016 và số tiền này từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính nhu cầu các địa phương đề nghị là 2.903 tỉ đồng. - Trên 1.000 tỉ đồng là số tiền Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung để bố trí cho các công trình bức thiết chống hạn mặn ngay thời điểm hiện nay. |