Phát biểu khai mạc Hội nghị về phát triển cây mắc ca tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng 29-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta phải đặt vấn đề thương hiệu mắc ca Việt Nam ngay từ bây giờ chứ không phải là làm mãi không có thương hiệu".
Thủ tướng đánh giá cao các nhà khoa học đã đưa cây mắc ca vào Việt Nam và bước đầu thành công, nhất là chỉ qua 5 năm, sản lượng đã tăng gần 25 lần.
Cây mắc ca đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nước ta. Trên thế giới, nhu cầu sử dụng mắc ca cũng đang rất cao, tăng tới 200%, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca là rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về phát triển cây mắc ca tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng 29-9. Ảnh: N.CHƯƠNG
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng trong quá trình phát triển cây mắc ca còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Thủ tướng nhắc lại ý kiến của nông dân Vy Thị Thanh ở tỉnh Đắk Nông phản ánh tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân vào ngày 28-9, rằng chị đã trồng cây mắc ca nhưng 7-8 năm nay chưa cho trái.
Thủ tướng đặt câu hỏi: "Vậy có phải giống là khâu đầu tiên hay không? Ai chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về giống để dẫn đến kết quả mà chúng ta phải rút kinh nghiệm”.
Thủ tướng yêu cầu các nhà khoa học, ngành chức năng phải trả lời được câu hỏi này của nông dân. Đi liền với đó là quy hoạch vùng đất nào, Tây Bắc thì tập trung thế nào, Tây Nguyên trồng xen thế nào… để người dân trồng mắc ca có thể thu hoạch được, chứ không phải trồng cây mà không ra trái hoặc ra ít trái.
Nói về vấn đề thị trường tiêu thụ mắc ca, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng cần phải tính toán tăng lên bao nhiêu là vừa, chứ không phải tăng vô cùng tận để bảo đảm quyền lợi cho người dân, người sản xuất. Bởi nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng nếu phát triển quá nóng thì sẽ dư thừa, cũng như khi nhu cầu thị trường rất lớn mà làm không kịp.
Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân chứ không chỉ quan tâm đến xuất khẩu.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần phải phát triển thương hiệu mắc ca Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải đặt vấn đề thương hiệu ngay từ bây giờ chứ không phải là làm mãi không có thương hiệu”. Bên cạnh đó, muốn làm lớn thì phải có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vậy chính sách nào để thu hút doanh nghiệp vào trồng, chế biến, tổ chức tiêu thụ mắc ca.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dư địa để phát triển cây mắc ca là rất lớn, nếu làm tốt sẽ giúp hệ số che phủ rừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trái và hạt mắc ca. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.
Tại Việt Nam, cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 - 22 độ C, phù hợp để phát triển ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả.
Do vậy, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16.500 ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15.400 ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm.