Ngày 31-8, tại hội nghị về kế hoạch triển khai vụ đông năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định sản xuất lương thực trong năm nay tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, trước tình hình của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của thiên tai diễn ra trên thế giới vừa qua, ngoài những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới thì cũng có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiêu thụ một số loại nông sản của Việt Nam.
Chính vì vậy, vụ đông năm nay, riêng tại phía Bắc sẽ được điều chỉnh tăng thêm 20% diện tích, từ 388.000 ha lên 450.000 ha trước những tín hiệu tích cực từ thị trường.
Phân tích sâu hơn từ những tín hiệu thuận lợi của thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT cho biết Trung Quốc là thị trường rất lớn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, 27/31 tỉnh, TP của Trung Quốc bị ngập lụt rất nặng, cùng với đại dịch COVID-19 bùng phát nên diện tích đất nông nghiệp cũng như cây trồng bị thiệt hại lớn, chưa thể khắc phục kịp. Điều này dẫn đến khả năng sản xuất của thị trường này sẽ giảm, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao.
Các doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội xuất khẩu được nhiều nông sản trong thời gian tới. Trong ảnh: Đóng gói gạo xuất khẩu tại một công ty. Ảnh: QUANG HUY
Đây chính là cơ hội tiêu thụ của nhiều mặt hàng nông sản. Cạnh đó, các mặt hàng rau, củ Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam tại các thị trường khác sẽ giảm do thiếu nguồn cung.
Không chỉ vậy, tư lệnh ngành nông nghiệp đánh giá Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8 giúp nhóm hàng nông sản có cơ hội rất tốt để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nhu cầu cao với các sản phẩm rau, củ, quả.
Tuy vậy, tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị các tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên kết. “Khi hình thành sản xuất thì phải có chuỗi liên kết kín từ vùng sản xuất nguyên liệu cho đến tổ chức chế biến, thị trường. Không thể để xảy ra tình trạng năm nay hô hào tăng trưởng diện tích, đến cuối năm lại không tiêu thụ được sản phẩm” - ông Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai vì hiện quy mô sản xuất phần lớn vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Chính điều này gây khó khăn cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa. Cạnh đó cần thu hút doanh nghiệp vào hợp tác đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nhu nhập cho nông dân.
Tránh tình trạng trà trộn hàng xấu khi xuất khẩu Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định các doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội xuất khẩu được nhiều nông sản, trong đó có rau, củ, quả vụ đông ra thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc. “Thông thường, vào vụ đông chúng ta xuất được nhiều hàng nông sản sang Trung Quốc. Hàng vụ đông khi xuất khẩu sang cũng ít bị gây khó dễ” - ông Nguyên nói. Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý chất lượng nông sản cần phải giữ ổn định; tránh tình trạng trà trộn hàng xấu, mạo danh mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... làm cho tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc bị khựng lại hoặc kéo dài thời gian kiểm tra, thông quan. |