Thức ăn lề đường và nguy cơ về an toàn thực phẩm

Nhiều người ưa chuộng

Không khó để đi tìm một chỗ ăn uống nhanh và tiện ở TP.HCM. Theo khảo sát, thức ăn đường phố có ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường lớn; từ cổng trường học đến bến xe, chợ; từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya… Món ăn đa dạng, thực khách tha hồ chọn lựa từ lẩu, cơm tấm, bún mắm,... cho đến đồ ăn vặt như khoai nướng, bắp xào, cá viên chiên, xe đẩy trái cây... được bán với mức giá mà hầu như ai ai cũng có thể mua được.

Chính vì mức giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại đa số người lao động và học sinh, sinh viên nên họ cũng dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố và coi là món ăn vặt khoái khẩu. Có nhiều người còn thích ăn thức ăn đường phố hơn cả thức ăn ở nhà chế biến.

Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn là sai quy định. Ảnh: Nguyên Võ

Trao đổi với bạn Nguyễn Phạm Nguyên, sinh viên một trường đại học, bạn cho biết, “sinh viên xa nhà, lại là con trai, nên ít khi nào em nấu nướng, cứ sáng ra đường mua đại bánh mì, trưa ăn cơm ngoài đường, chiều thì tìm gì đó là ăn cho xong. Em ăn uống như thế cũng đã hơn ba năm. Thức ăn đường phố có nhiều món, dễ thay đổi món ăn và cũng đỡ ngán”.

Cũng cùng vấn đề này chị Kim Thanh, chủ quán cà phê ở Tân Bình cho biết “buổi tối tôi thường hay chở con đi ăn ở một số khu ăn uống, những nơi này buôn bán rất đa dạng, nêm nếm cũng ngon, đa dạng món ăn”.

Nguy cơ mất an toàn

Việc buôn bán khá đơn giản, chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa là đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố. Liệu với không gian như thế có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không khi dầu bị chiên nhiều lần; thịt nướng ngay tại vỉa hè khói bụi; dụng cụ chứa thức ăn thì không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy, hay che đậy sơ sài, người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn thản nhiên cầm tiền rồi bốc thực phẩm, hay những cái tô, chiếc đũa được rửa ngay tại nơi bán với lượng nước ít ỏi... cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc.

Bày bán thức ăn không đảm bảo, có cả ruồi bâu, đốt nhang ngay cạnh món gỏi cuốn. Ảnh: Nguyên Võ

Với một số nhỏ người kinh doanh, vì mưu sinh và lợi nhuận họ có thể bất chấp những hành động sai phạm để tiêu thụ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, từ rau củ quả cho tới thịt cá.

Trong khi đó, tại Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có quy định khá rõ: Nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm; người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;…

Thức ăn đường phố mang đến sự tiện lợi cho khách hàng vì thuận tiện, nhanh chóng, hợp túi tiền,… nên giữ chân được số lượng thực khách vô cùng đông đảo. Dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, nhiều người vẫn thờ ơ trước sức khỏe của chính mình. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm ATTP và hơn hết, quy hoạch các khu ăn uống cho người bán hàng và tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè.

Tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vi phạm một trong các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn: Không có biện pháp để bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác;

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bày bán thức ăn ngay, thực phẩm chín không có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất theo quy định; sử dụng khu vực chế biến, bảo quản, nơi ăn không bảo đảm vệ sinh hoặc có côn trùng, động vật gây hại;…

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm