Thực hư đại gia nhận 35 tỉ đồng lãi ngoài trong vụ án ''siêu lừa' Hà Thành

(PLO)- Đại gia Đặng Nghĩa Toàn và “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành khai mâu thuẫn tại toà, xung quanh nghi vấn ông Toàn có biết và giúp sức cho Hà Thành. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vụ án siêu lừa Hà Thành đang được TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm, ngoài bị cáo đầu vụ Nguyễn Thị Hà Thành, một nhân vật được những người dự phiên tòa quan tâm là đại gia Đặng Nghĩa Toàn - được cơ quan tố tụng xác định tư cách là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Quan tâm không chỉ vì số tiền khủng 122 tỷ đồng mà ông Toàn gửi tại ba ngân hàng VietABank (VAB), Thương mại CP Quốc dân (NCB) và Thương mại CP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) - nay được xem là tang vật vụ án, mà còn vì những tố cáo từ phía các ngân hàng bị hại rằng ông Toàn đồng phạm với siêu lừa Hà Thành.

Chính vì vậy, ở thủ tục xét hỏi hôm nay, 11-3, các luật sư, thẩm phán đặt nhiều câu hỏi cho bị cáo Hà Thành và ông Toàn.

Ông Đặng Nghĩa Toàn. Ảnh: LT

Ông Đặng Nghĩa Toàn. Ảnh: LT

Các câu hỏi tập trung làm rõ nội dung của cáo trạng. Theo đó, ông Toàn gửi tiết kiệm tại NCB 50 tỉ đồng, tại PVCombank 52 tỉ đồng và tại VAB 20 tỉ đồng. Với các sổ tiết kiệm tổng giá trị 122 tỉ đồng này, Hà Thành đã dùng làm tài sản đảm bảo, lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỉ đồng, của PVComBank 49,4 tỉ đồng, và nặng nhất là VAB gần 274 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, xét xử trước đây, TAND Hà Nội đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ có hay không chuyện ông Toàn biết sổ tiết kiệm sẽ được thế chấp, cầm cố, tức là liệu có phải là đồng phạm với Hà Thành.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hà Thành khai nhận là đã không nói với ông Toàn sẽ thế chấp sổ tiết kiệm, nhưng khẳng định ''tôi nghĩ là anh Toàn biết''.

Củng cố cho nhận định ấy, bị cáo còn khai đã trả cho ông Toàn khoảng 80 tỉ đồng bao gồm gồm 35 tỉ tiền lãi tiền mặt và 45 tỉ gốc chuyển khoản. "Một lần giao tiền ở quán cà phê trên phố Lê Đại Hành, Hà Nội. Một lần vào tháng 8-2018, tôi đến nhà anh Toàn, trả 20 tỉ đồng, anh Toàn có mở ra kiểm đếm luôn'' – bị cáo Thành khai tại tòa.

Tuy nhiên, ngoài tình tiết thời gian, địa điểm, Hà Thành không đưa ra được giấy tờ chứng minh, biên nhận. Bị cáo giải thích vì đôi bên giao dịch làm ăn với nhau nhiều lần và vẫn còn định vay tiếp...

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành khai tại toà. Ảnh: LT

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành khai tại toà. Ảnh: LT

Cũng trả lời thẩm vấn tại tòa, đại gia Đặng Nghĩa Toàn có cách giải thích khác.

Ông cho biết quen Hà Thành từ năm 2017. Thành tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng đi huy động chỉ tiêu, nếu gửi tiền vào ngân hàng do Thành chỉ định thì sẽ được hưởng lãi ngoài bằng lãi suất ghi trên sổ. Khai vậy, nhưng ông Toàn thừa nhận không biết Thành làm cho ngân hàng nào.

Về tiền lãi, ông Toàn thừa nhận Thành có đến nhà mình để trả tiền, nhưng mới chỉ khoảng 4 tỉ đồng lãi ngoài, không phải 80 tỉ đồng như bị cáo Thành nói. Ngoài ra, ông Toàn cũng nhận được lãi tiền gửi tiết kiệm hàng tháng từ các ngân hàng.

''Tiền của tôi gửi vào ngân hàng đúng quy trình, đúng sự hướng dẫn của nhân viên tại quầy. Tôi mang tiền tới, nộp tiền vào tài khoản, sau đó mới yêu cầu gửi tiền vào sổ tiết kiệm để tránh rủi ro không truy vết được việc gửi tiền'' – ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng nhiều lần nhấn mạnh: ''Quy định ngân hàng rất chặt chẽ, muốn làm bất cứ thủ tục gì liên quan sổ tiết kiệm cũng cần chứng minh nhân dân, chữ ký và chính chủ đến làm thủ tục. Tôi rất yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng, nhưng không ngờ… ".

Theo cáo trạng, cơ quan điều tra có thu được từ ông Toàn một giấy đề nghị có nội dung ''Thành là nhân viên ngân hàng đang thiếu chỉ tiêu huy động nên nhờ Toàn hỗ trợ chỉ tiêu, trả lãi ngoài… cam đoan số tiền được bảo đảm 100% không thất thoát''. Giấy này do bị cáo Thành viết.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên quan hệ khách hàng NCB) và ông Toàn. Bị cáo Trung khai khi ông Toàn làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, bị cáo đã hai lần nói rõ sổ tiết kiệm của ông Toàn sẽ được cầm cố để bảo đảm cho khoản vay. Ông Toàn có trả lời: ''Nếu anh đồng ý, anh sẽ ký thế chấp, còn hôm nay anh chỉ đến gửi tiền''.

Trong khi đó, hồ sơ để Thành vay lại ngân hàng với tài sản thế chấp là tiền tiết kiệm của ông Toàn có những văn bản chữ ký ông Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang đều là chữ ký giả.

Cũng theo cáo trạng, ngày 21-3-2018, Trung nhắn tin thông báo hai sổ tiết kiệm của ông Toàn gửi tại NCB đang được bảo đảm cho khoản vay của Công ty Jeongho. Lúc này, ông Toàn đang ở nước ngoài.

Sợ vợ chồng ông Toàn nghi ngờ, Thành bịa ra chuyện bà Trang ghen tuông, nghi ngờ chồng mang tiền cho bồ và bảo Thu Hương nói với Trung nhắn tin đính chính. Tin lời Thành, Trung đã nhắn tin lại cho ông Toàn khẳng định sổ tiết kiệm vẫn bình thường, chỉ được sử dụng để chứng minh tài chính đấu thầu dự án, không có vay vốn gì.

Ông Toàn không nhận được văn bản của ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm bị cầm cố, hàng tháng vẫn được ngân hàng trả lãi vào tài khoản.

Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, sau nhiều lần điều tra bổ sung, cơ quan công tố vẫn cho rằng không có căn cứ kết luận ông Toàn biết và giúp sức cho Hà Thành.

Ngày mai, Chủ nhật, 12-3, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm