Ngày 10-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm.
Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố đã trình bày cáo trạng truy tố 26 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
Vụ án được xác định xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB).
Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành và một số bị cáo trong phiên xử đang diễn ra tại TAND Hà Nội. |
Nhóm bị cáo cho vay lãi nặng
Triệu Đình Hoan được biết là một đại gia chuyên cho vay đáo nợ. Theo cáo trạng, Hoan thành lập Công ty CP Đầu tư Hải Linh vào cuối năm 2014, chuyên cho vay để đáo hạn ngân hàng với lãi suất 2.000 đồng – 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh là cổ đông, hưởng lãi theo tỷ lệ vốn góp, chuyên phụ trách giấy tờ pháp lý khách hàng. Đến tháng 3-2018, Hạnh rút ra, không làm chung nhưng vẫn giới thiệu khách hàng, giúp sức Hoan cho vay để hưởng lợi.
Làm việc cho Hoan có Triệu Thị Hạnh (em gái Hoan), với nhiệm vụ thủ quỹ, ghi chép sổ sách thu chi và theo dõi dòng tiền, cách tính lãi. Còn Nguyễn Thị Là làm kế toán, kiểm soát việc tính lãi. Hoan cũng thuê hai nhân viên chuyên đi thu tiền.
Triệu Đình Hoan quy định khách hàng vay 10 ngày là phải trả lãi và gốc đủ mới cho vay tiếp, và cứ mỗi lần khách thanh toán xong gốc và lãi, Hạnh sẽ tiêu hủy sổ ghi chép. Các khoản vay cũng được mã hóa.
Quan hệ với siêu lừa
Nguyễn Thị Hà Thành là một khách hàng như vậy. Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018, Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do bị thua lỗ nên tìm cách xoay sở, vay tiền người này trả cho người khác.
Giữa năm 2018, Hà Thành có khoản vay cần đáo hạn, nên đặt vấn đề với cán bộ Ngân hàng NCB để tìm nguồn vay ngoài. Qua giới thiệu, Hoan gặp, đồng ý cho Thành vay với điều kiện khoản vay của Thành phải được giải ngân trong ngày. Thành vay Hoan 12,3 tỷ đồng, chấp nhận trả lãi 175 triệu đồng.
Ngày 18-6-2018, Hạnh cầm 12,3 tỷ đồng đến NCB cho Thành vay bằng cách nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của Công ty Joengho Landmark. Sáng hôm sau, ngân hàng giải ngân cho Công ty Joengho Landmark vay 19 tỷ đồng. Ngay sau đó, Hạnh nhận lại 12,3 tỷ đồng tiền gốc tại quầy giao dịch và đem về giao lại cho Hoan, hoàn tất một khoản vay đáo nợ.
Sau khoản vay trên, những lần sau, Thành trực tiếp làm việc, thỏa thuận với Hoan.
Hình thức là Hoan và Thành cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại Ngân hàng Việt Á. Trong mỗi hợp đồng tiền gửi, Hoan góp 5 tỷ đồng, lãi suất vay là 4.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương lãi suất 146%/1 năm) và cứ 30 ngày phải trả lãi một lần. Còn Thành thì dùng hợp đồng tiền gửi ấy làm tài sản thế chấp, vay ngân hàng để rút tiền ra.
Cáo trạng xác định tổng số tiền Hoan cho Thành vay là 160 tỷ đồng, được thể hiện trong sáu hợp đồng tiền gửi tại Việt Á và 20 tỷ đồng vay ngoài. Tổng số tiền lãi Thành đã trả là 47,8 tỷ đồng.
Bộ luật Dân sự quy định lãi cho vay tối đa 20%/năm, vậy nên xác định số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo liên quan tới Hoan là 41,2 tỷ đồng.
Ngoài quan hệ vay nóng với Hoan, Nguyễn Thị Hà Thành còn vay nặng lãi với Nguyễn Giang Hòa, cũng với hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại ngân hàng Việt Á.
Cụ thể, ngày 5-11-2018, Thành nhắn tin tài khoản zalo cho Hòa hỏi vay 2 tỷ đồng và chấp nhận trả lãi 200 triệu đồng trong 20 ngày, tương đương lãi suất 182,5%/năm. Như vậy, Hòa thu lời bất chính là hơn 178 triệu đồng.
Với hành vi này, các bị cáo Triệu Đình Hoan, Nguyễn Thị Là, Triệu Thị Hạnh, Phạm Thế Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Giang Hòa, bị xét xử trong phiên tòa hôm nay về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Ba ngân hàng mắc bẫy
Về việc làm ăn với các ngân hàng, theo cáo trạng, thông qua các quan hệ xã hội, Nguyễn Thị Hà Thành tìm được nhiều người có khoản tiền tiết kiệm lớn gửi ngân hàng. Bằng cách thuyết phục trả lãi cao, Thành thuyết phục họ cho đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm, sau đó tự mình hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay chính các nhà băng với số tiền lớn.
Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên từ tháng 6 đến 11-2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn.
Cáo trạng xác định, Thành và các đồng phạm đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân để ký giả chữ ký của nhiều người trong hồ sơ vay vốn, thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB và các cá nhân khác nhau với tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng.