Thực phẩm hữu cơ: Hầu hết là tự xưng

Đánh trúng tâm lý chuộng thực phẩm sạch, trên thị trường đã xuất hiện các loại rau củ, gạo, thậm chí một số mặt hàng thủy sản, thịt… được giới thiệu là nuôi, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học. Hiện tại rất ít doanh nghiệp (DN) được chứng nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ. Thế nhưng nhiều cửa hàng vẫn giới thiệu đó là thực phẩm hữu cơ, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

Loạn thực phẩm hữu cơ

Tại một cửa hàng (ghi bán thực phẩm hữu cơ) trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), các sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm hữu cơ có giá khá cao, đậu cô ve Nhật 40.000 đồng/kg, bông cải 75.000 đồng/kg, mồng tơi 55.000 đồng/kg, rau dền 50.000 đồng/kg… quan sát trên bao bì, chúng tôi không thấy  có thông tin gì thể hiện đó là sản phẩm hữu cơ. Khi được hỏi rau cửa hàng bán là sản phẩm hữu cơ hay VietGap, nhân viên cửa hàng giải thích là sản phẩm trồng đạt chuẩn VietGap nhưng theo hướng hữu cơ, do đó giá có cao. Theo quan sát, nhiều mặt hàng bày bán ở đây được lấy từ các hợp tác xã khác nhau.

Tương tự, tại cửa hàng bán rau hữu cơ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) giá bán măng tây, nấm linh chi trắng, cà chua… cao gấp bốn, năm lần so với sản phẩm thường. Tuy nhiên, tem dán trên khay cà chua hay xà lách không ghi thông tin nào liên quan đến hữu cơ, chỉ có tên cửa hàng, tiêu chuẩn G.A.P. Người bán giới thiệu sản phẩm ở đây được trồng hữu cơ: Dùng phân hữu cơ trộn với trấu gỗ, không dùng phân hóa học. Chị cho biết khách hàng quen thương hiệu rồi, qua tết cửa hàng mới thay tem mới. Chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy trên tem mới có thông tin gì để biết đó là sản phẩm hữu cơ không thì không nhận được câu trả lời. Chủ cửa hàng chỉ cho biết công ty có trang trại ở Đà Lạt, làm đúng tiêu chuẩn quy trình nên khách hàng có thể yên tâm về chất lượng.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ tại một cửa hàng thực phẩm ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Ghi nhận thị trường cho thấy hiện giá thịt heo hữu cơ cao gấp ba lần so với thịt heo bình thường. Tại cửa hàng thịt heo hữu cơ trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1), thịt ba rọi, nạc, đùi giá 250.000-255.000 đồng/kg. Một khách hàng đang mua thực phẩm hữu cơ tại đây chia sẻ thịt hay rau hữu cơ được nuôi, trồng theo kiểu tự nhiên không có thuốc, ăn ngon hơn nên chị thường xuyên mua dùng. Ngoài ra, sản phẩm được đựng trong bao bì, ép chân không, có ghi tên cơ sở, địa chỉ rõ ràng… nên chị rất yên tâm.

Chỉ 1-2 DN có chứng nhận hữu cơ

Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, cho rằng nhìn bên ngoài khó phân biệt được rau hữu cơ với rau thường. Điểm khác biệt là rau trồng phun thuốc, phân hóa học nhìn bên ngoài mướt, đẹp hơn. Tuy nhiên, khi ăn mới cảm nhận được đâu là rau hữu cơ, đâu là rau trồng theo phương pháp xịt thuốc, bón phân hóa học.

Để chứng nhận một sản phẩm rau, củ hữu cơ, ban đầu DN phải gửi mẫu đất qua cho tổ chức ở nước ngoài đánh giá. Mẫu đất đó bắt buộc không có hóa chất. Sau khi phân tích xong, nếu đạt DN mới được phép canh tác hữu cơ. Tiếp theo, có người từ nước ngoài về kiểm tra diện tích đất DN làm là bao nhiêu, trồng loại nào, theo quy trình gì, vật tư bắt buộc phải chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của thế giới… Tất cả chi phí này DN phải bỏ ra. ngoài ra, DN được cấp giấy chứng nhận hữu cơ phải đóng khoảng 1.700 USD/năm. Để biết sản phẩm có thực sự đạt chứng nhận hữu cơ chưa, người mua có thể vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp sẽ biết được thông tin chính xác.

Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, một trong vài DN đã được chứng nhận hữu cơ toàn cầu từ tổ chức giám định quốc tế cho biết để được chứng nhận hữu cơ, DN phải đạt hơn 200 chỉ tiêu về hữu cơ mà tổ chức quốc tế đưa ra. Quy trình chứng nhận này lặp lại mỗi năm và chi phí làm chứng nhận không nhỏ. Hiện các mặt hàng như gạo, rau, cá (lóc, thác lác, rô, sặc)… được chứng nhận hữu cơ đều xuất khẩu là chủ yếu.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay nở rộ chăn nuôi theo kiểu hữu cơ nhưng thật sự chỉ có 1-2 DN đạt được chứng nhận hữu cơ của tổ chức thế giới. Phần lớn thực phẩm hữu cơ là do DN tự xưng. Người tiêu dùng chỉ còn cách nhận biết bằng chứng nhận, cái nào có chứng nhận hữu cơ thì mua.

Phân biệt thực phẩm hữu cơ với VietGAP

Thực phẩm hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Trong khi thực phẩm đạt các tiêu chuẩn như VietGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ hóa học... nhưng có kiểm soát, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh đảm bảo ở mức cho phép. Cần có sự quản lý, kiểm soát từ phía cơ quan nhà nước để minh bạch thông tin thị trường đối với thực phẩm hữu cơ. Để từ đó đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện cho DN phát triển thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Ông VÕ MINH KHẢI, Tổng Giám đốc
Công ty Viễn Phú

Cạnh tranh bằng chứng nhận

Nhu cầu thực phẩm hữu cơ ngày càng nhiều, DN trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ ngày càng nhiều. Để thu hút được người tiêu dùng trong nước chỉ có cách duy nhất là đạt chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền chứng nhận. Hơn một năm nay, DN đã theo đuổi chứng nhận này. Trang trại của DN ở Đà Lạt được phía tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ suốt một năm nay. Hiện tại DN đã đạt hơn 100 chỉ tiêu hữu cơ do tổ chức đưa ra. Dự kiến đầu tháng 4-2015, DN sẽ được cấp chứng nhận.

Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm Organica

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), Công ty Control Union… Cục đang soạn thảo quy định các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ trình Bộ NN&PTNT.

Ông PHẠM VĂN DƯ, Phó cục trưởng Cục trồng trọt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới