Thực phẩm thiếu an toàn bủa vây trong làng Đại học Thủ Đức

Làng đại học Thủ Đức (TP. HCM) là nơi tập trung đông đảo sinh viên, với gần 50.000 lượt sinh viên đang theo học tại các trường. Song, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi băn khoăn, đe dọa đến sức khỏe của hàng chục ngàn sinh viên sống tại đây.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây điểm chợ tự phát mọc lên dọc hai bên đường cùng nhiều sạp thực phẩm lưu động khác. Giá cả phải chăng, lại phong phú chủng loại, nguồn hàng... những khu chợ này đang là nơi cung cấp thực phẩm chính cho hàng ngàn sinh viên nơi đây.

Điểm chợ tự phát khá tạm bợ trong khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Giang

Chưa kể, những quán cơm vỉa hè cũng trở nên “đông đúc” khi giá chỉ từ 18.000- 25.000/ dĩa với đầy đủ các món ăn từ thịt, cá, tôm... Nhưng đằng sau những quầy hàng thức ăn kia là hình ảnh nhếch nhác, cáu bẩn bởi chén bát đã qua sử dụng hoặc khu sơ chế kém an toàn. Với giá cả rẻ hơn nhiều nơi khác liệu chất lượng thực phẩm có đảm bảo an toàn?

Khu bếp bày biện lộn xọn và thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cháy nổ. Ảnh: Sơn Giang

Không chỉ thế các bãi rác tự phát cũng mọc lên như nấm, bao quanh hàng quán và quầy thực phẩm nơi đây.

Rác thải sinh hoạt bừa bãi thiếu vệ sinh bao vây khu chợ và hàng quán, là nguồn phát sinh các loại bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Sơn Giang

Mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm là nỗi lo của nhiều bạn sinh viên nhưng phần lớn đều phải sử dụng bởi mức giá phù hợp. Xuân Thảo (sinh viên năm cuối ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Học ở đây nhiều năm lại ở xa nhà nên thường ăn, thấy rẻ và tiện lợi nhưng cũng hoang mang về nguồn gốc thực phẩm, ảnh hưởng sức khoẻ”. Còn phía hộ kinh doanh, một trường hợp cho rằng vì có con học ở đây nên cả nhà cùng vào để làm ăn sinh sống thay vì ở quê không tìm được việc.

Do chủ yếu là đối tượng “thụ động” khi không tìm được lựa chọn thay thế và nhu cầu sinh kế còn phụ thuộc vào hạ tầng hiện có, nên chỉ còn có thể chấp nhận hiện trạng.

Liên hệ với PGS.TS Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay: Vấn đề đến từ ô nhiễm bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông, rác thải, xử lý thực phẩm, dụng cụ không sạch hay tình trạng sức khoẻ của người chế biến phục vụ. Như nguồn nhiễm của móng tay dài, vệ sinh da tay kém, nhiễm trùng da, bệnh đường tiêu hoá, hô hấp…

Và hậu quả khi không đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiễm vi khuẩn gây bệnh như E.coli, S.aureus,…nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nhiễm độc tố gây bệnh như độc tố nấm mốc Aflatoxin (nguy cơ dẫn đến ung thư gan).

Đối với thực phẩm nhiễm các hoá chất có hại vượt quá mức cho phép như hàn the, formol, phẩm màu, chất tạo ngọt hay hoá chất bảo vệ thực vật... cũng là nguyên nhân nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính.

Suy cho cùng, người chịu thiệt từ vấn đề trên chính là lượng lớn sinh viên, cán bộ và dân cư sống tại đây. Mong rằng các cơ quan quản lý nên chú trọng đầu tư cải thiện hạ tầng trong đó có khu ẩm thực đảm bảo chất lượng để chuẩn bị năm học sắp tới kết hợp nâng cao nhận thức cho sinh viên. Hạn chế người sử dụng sẽ hạn chế được người kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm